Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital Việt Nam: “Đầu tư là một cuộc chiến tâm lý”
Chia sẻ trên của Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) Lê Anh Tuấn nhận được nhiều tán thưởng từ người dự khán webinar MBA For Success. Theo ông Tuấn, tâm lý vững sẽ quyết định bạn là nhà đầu tư chuyên nghiệp hay nghiệp dư.
MBA For Success là chuỗi sự kiện trực tuyến được dẫn dắt bởi PGS.TS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, nhằm cung cấp những chia sẻ thực tế về trải nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc của các doanh nhân, lãnh đạo cấp cao ở các công ty lớn trong và ngoài nước.
Đầu tư chuyên nghiệp: Có lúc bạn sẽ sai thật sai
Nhiều năm là “sếp” lớn tại Quỹ Đầu tư Dragon Capital Việt Nam, TS. Lê Anh Tuấn cho rằng điều những người đầu tư chưa chuyên nghiệp thường mắc phải là quá vui khi thị trường tăng mạnh và ngược lại, quá buồn khi thị trường lao dốc. Như vậy sẽ rất dễ để lại những cảm xúc thái quá, ảnh hưởng đến những quyết định “bỏ tiền” tiếp theo.
Đầu tư chuyên nghiệp không đơn giản chỉ dừng lại ở một thắng lợi lớn hay một thất bại thảm hại. Với tâm lý không vững đến nỗi mất ăn mất ngủ cho từng quyết định của mình, bạn sẽ khó theo nghề trong suốt 20-30 năm hoặc hơn. “Việc đầu tiên cần phải quan tâm khi đầu tư là vấn đề tâm lý. Đầu tư là một cuộc chiến tâm lý”, tiến sĩ nói.
Theo ông Tuấn, kiến thức chỉ là một phần. Nhiều trường hợp hiểu biết của bạn “đúng”, nhưng thị trường lại “sai” thì cái “đúng” ấy chưa chắc sẽ “đúng” nữa. Có những giai đoạn, người đầu tư sẽ gặp phải những sự “oái oăm” như thế. Khi đó, bạn có thể cực kỳ thất vọng về chính mình, thậm chí không tin vào những tri thức của mình.
Phải giữ tâm lý thật vững để theo nghề lâu dài. Nhiều công ty lớn đã dành rất nhiều tiền thuê chuyên gia để tư vấn cho lãnh đạo của mình. “Ngược lại, đầu tư không chuyên nghiệp thường sẽ có những giai đoạn bạn sai đến nỗi không tưởng tượng được, và đến khi đúng lại nghĩ mình như thiên tài của thế giới”, ông Tuấn nói.
“Bí mật” khi tuyển nhân sự đầu tư
Buổi trò chuyện này nhận được sự theo dõi của không ít bạn trẻ thuộc các khối ngành kinh tế. Trong số đó, có câu hỏi gửi đến ông Tuấn: Yếu tố để trở thành một nhân sự thành công trong lĩnh vực đầu tư là gì?
Lấy ví dụ cụ thể ở Dragon Capital, TS. Lê Anh Tuấn cho rằng quy trình tuyển chọn các tài năng vào đội ngũ thường qua rất nhiều vòng khó khăn. Trong đó, chính nhóm trực tiếp phân tích đầu tư của công ty sẽ nhìn nhận khả năng làm việc và hợp tác nhóm để đưa ra quyết định về nhân sự sẽ là “đồng đội” mới của họ.
Tiêu chí công nhận trước tiên là đam mê. Đầu tư chuyên nghiệp là câu chuyện của sự nhiệt huyết, không thể gặt hái một số thành quả bước đầu là tự mãn và dừng lại. Nếu xem đây là một “cuộc dạo chơi”, dù có tài giỏi đến đâu cũng sẽ bị đánh giá thấp.
Nhà tuyển dụng rất dễ nhận biết được đam mê này khi thực hiện phỏng vấn. Thông qua việc bạn có thật sự quan tâm đến những thông tin, diễn biến xung quanh chuyện đầu tư? Bạn có yêu thích một nhân vật, hình mẫu nào, hay đơn giản bạn có gì để kể về ngành này?
Bạn có thể xuất thân là “dân” marketing, kế toán, hay thậm chí là văn học, triết học. Chỉ cần chứng tỏ được sự thông minh, bạn đã có lợi thế. “Chúng tôi không đòi hỏi bạn là một siêu sao. Nếu thật sự bạn có đam mê và thông minh, nhiều khả năng bạn sẽ được chúng tôi chấp nhận”, ông Tuấn nói.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, trong tình dịch bệnh hiện tại, khi nghe về số ca nhiễm hằng ngày, khi nhìn thấy những nơi rào chắn, giăng dây, nhiều người có tâm lý bi quan là điều dễ hiểu. Dù vậy, cần có năng lực nhìn “xuyên” qua sự bi quan ấy, đặc biệt với những người có mong muốn đầu tư.
Đại dịch rồi sẽ qua đi, nhất là khi Việt Nam đang có phương hướng chống dịch khá tốt. Về mặt kinh tế, đại dịch đến như một cú “sốc” ngắn hạn và hứa hẹn một sự bùng nổ rất lớn sau đó. Có thể thấy ở Mỹ, dù COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn sạch bóng, nhưng kinh tế Mỹ đã có những bước phục hồi chưa từng thấy.
Chưa kể, theo nhiều chuyên gia, 5 năm tới ở Việt Nam sẽ có những bước đột phá rất lớn về mặt kinh tế. Ở góc cạnh nào đó, dịch cũng là một cơ hội để đầu tư, để đón đầu sự hồi phục vượt bậc về cả kinh tế và xã hội thời “hậu COVID”. Đặc biệt, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như dịch vụ, nhà hàng, khách sạn sẽ có sức bật tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
T.N