Bài phát biểu Khai giảng chương trình Cử nhân Western Sydney 2021 của TS. Phan Thị Minh Thư, Giám đốc Chương trình Western Sydney Việt Nam
Các em sinh viên 2K3 thân mến, các em là một phần của một thế hệ lịch sử, các em đã vừa dũng cảm vượt qua một năm học cuối cấp đầy giông bão vì dịch bệnh hoành hành, giờ lại sẵn sàng bước vào ngưỡng cửa đại học ngay giữa tâm dịch. Tất cả những khó khăn đó đã không cản bước các em mở ra cánh cửa đã chọn và sẵn sàng bước vào một hành trình mới, hành trình của một sinh viên đại học tại Western Sydney Việt Nam.
Để nhận được Thư mời nhập học chương trình Cử nhân kinh doanh Western Sydney và bắt đầu hành trình mới từ hôm nay, các em không chỉ đã sẵn sàng với năng lực học tập khá giỏi, mà còn cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực tiếng Anh, để có thể theo học chương trình cử nhân Úc. Đặc biệt, trong nhóm các em sinh viên đủ điều kiện học thẳng chuyên môn mà không cần qua các khóa tiếng Anh học thuật, chúng ta có đến 67% các em đạt điểm tiếng Anh tương đương IELTS 7.0, 7.5 trở lên. Chúng ta còn vui mừng vinh danh hàng trăm em sinh viên có thành tích học tập ở cấp 3 vượt trội, cùng hàng chục em đạt điểm mức điểm tiếng Anh đáng mơ ước tương đương IELTS 8.0, được nhận học bổng lên đến 50% học phí.
Điều đó cho thấy bản thân các em SV ở đây và gia đình đã có định hướng và chuẩn bị kỹ lưỡng cả về năng lực học tập, cũng như năng lực tài chính, giúp các em sẵn sàng bước vào chương trình Cử nhân Western Sydney hôm nay. Xin thay mặt nhà trường gửi lời cám ơn trân trọng đến Quý phụ huynh và các em đã lựa chọn chương trình; đồng thời, xin thay mặt các em được gửi lời biết ơn sâu sắc đến các bậc sinh thành đã định hướng và đồng hành cùng các em cho đến ngưỡng cửa đại học hôm nay. Một lần nữa, chúc mừng Quý phụ huynh và các em tân sinh viên đã sẵn sàng cùng bước vào một chặng đường mới trong con đường học tập suốt đời của các em.
Các em sinh viên thân mến, cô đã nói chuyện cùng sinh viên mới từ nhiều năm nay, nhưng mỗi năm học mới, khi chuẩn bị lễ khai giảng, nhớ tới hình ảnh của mình lúc còn là một sinh viên năm thứ nhất, ngơ ngác rời quê nhà đến SG học; lúc còn là một du học sinh bỡ ngỡ nơi đất Úc xa xôi, tại chính ngôi trường Western Sydney của chúng ta hôm nay, cô vẫn cảm nhận nguyên vẹn đó niềm xúc động và đồng cảm cùng các em. Đặc biệt, quan điểm xã hội vẫn cho rằng thế hệ các em bây giờ có điều kiện và sung sướng hơn các thế hệ trước rất nhiều, không có lý do gì để mà than phiền hay gặp khó khăn; nhưng với trải nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục, cùng sự đồng cảm sâu sắc, cô nhận thức được rằng, các em bây giờ chịu nhiều áp lực hơn dưới kỳ vọng ngày càng lớn của gia đình, của xã hội trong một thế giới thay đổi chóng mặt. Các em, một thế hệ sinh ra và lớn lên cùng những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, hưởng thụ nhiều từ công nghệ nhưng đồng thời các em cũng chịu nhiều áp lực cạnh tranh trong thị trường lao động không chỉ từ con người và còn từ máy móc và trí tuệ nhân tạo.
Song hành cùng thế hệ các em, nhà trường cũng vận hành dưới một áp lực lớn không kém để chuyển đổi từ giáo dục truyền thống, mà ở đó chú trọng cung cấp thông tin trong thời đại mà việc tiếp cận thông tin, kiến thức đại chúng còn khó khăn; đến hôm nay giáo dục hiện đại trong thời đại tràn ngập thông tin, và kiến thức có sẵn mọi nơi để được khai thác.
“Nhà trường hiện đại hướng tới việc trang bị cho các em các kỹ năng sống đa mục đích. Quan trọng hơn cả sẽ là khả năng đối phó với thay đổi, học điều mới và duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ[1]”. Quan điểm này được tác giả Yuval Noah Harari viết trong tác phẩm “21 Bài học cho Thế kỷ 21” phát hành năm 2018, từ khoảng hơn một năm trước khi đại dịch Covid 19 hoành hành.
Và thật kỳ lạ, lịch sử đưa đẩy để toàn thế giới trở thành “vật thí nghiệm” trong một cuộc “thí nghiệm” quy mô toàn cầu, như chính tác giả Harari viết trong bài viết “Thế giới sau Coronavirus” xuất bản tháng 3/2020, khi đại dịch Covid 19 chỉ mới chớm xâm chiếm thế giới, ông viết rằng: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi người làm việc tại nhà, và chỉ giao tiếp từ xa? Chuyện gì xảy ra nếu tất cả các trường học chuyển thành trực tuyến? Trong điều kiện bình thường, các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức giáo dục sẽ không bao giờ đồng ý tham gia “thí nghiệm” đó. Nhưng mọi thứ đang không ở trạng thái bình thường[2]. Trong tình thế đó, không còn sự lựa chọn nào khác, cả nhân loại buộc phải thay đổi để thích nghi với một trạng thái “bình thường mới”.
Từ góc độ một tổ chức giáo dục, tại Western Sydney Việt Nam, nhằm trang bị cho các em động lực cũng như năng lực tự học hỏi, năng lực thích nghi trong một thế giới tràn ngập thông tin và biến động không ngừng; chúng ta theo đuổi triết lý giáo dục cho rằng “Kiến thức không thể được DẠY mà chỉ có thể được HỌC[3]”
Hơn thế nữa, phần lớn các em hôm nay đã tròn hoặc vừa bước vào tuổi 18, từ nay, các em đã đủ trưởng thành để quyết định hướng đi của mình. Điều tốt nhất mà nhà trường, gia đình và những người đi trước có thể hỗ trợ các em lúc này chỉ là tạo môi trường giúp các em rèn luyện và phát triển khả năng tư duy, tự học, tự khám phá kiến thức có hướng dẫn; đồng thời cùng đồng hành và khơi nguồn động lực đủ lớn để các em có thể tự thiết kế hành trình sắp tới của mình, đạt được nhiều thành tựu nhất với ít áp lực nhất.
Các em sinh viên thân mến, thế hệ các em không xa lạ gì với các trò chơi thực tế ảo, nên hôm nay cô thử mượn các thuật ngữ gaming để cùng các em mô tả chặng đường sắp tới nhé.
Bước vào Western Sydney Việt Nam hôm nay, các em đã là những “game thủ đạt chuẩn” với các vũ khí cơ bản như kỹ năng tiếng Anh tương đương IELTS 6.5 hoặc các lớp tiếng Anh học thuật EAP, một chương trình đào tạo cử nhân đẳng cấp quốc tế và một môi trường học tập chuyên ngành mô phỏng hoạt động doanh nghiệp. Nhiệm vụ của chúng ta lúc này là cùng nhau trải qua hành trình ba năm học để mài dũa “vũ khí” của mình, hướng tới nâng hạng nội lực bản thân trở thành phiên bản Công dân Toàn cầu tốt nhất khi tốt nghiệp, các em nhé.
Cụ thể hơn, từ thời điểm này, chúng ta nhất định không để tiếng Anh, một ngôn ngữ thứ hai, tiếp tục là nỗi ám ảnh của mỗi “game thủ” nữa nhé các em, mà sẽ cùng ra tay điều khiển, rèn dũa nó như một công cụ phục vụ cho hành trình học hỏi của mình. Trong một thời đại của công nghệ phát triển như vũ bão, sinh viên Western Sydney Việt Nam sẽ cùng chinh phục đỉnh cao tiếng Anh được đánh giá bằng Trí tuệ Nhân tạo (AI) với đích đến là bài thi Pearson English Test PTE từ 80 điểm.
Các “game thủ” chúng mình còn đang cầm trong tay Thư mời nhập học, là chiếc vé vào cửa của cộng đồng sinh viên Western Sydney. Hơn 10 năm trước đây, khi cô bắt đầu nhập học chương trình Tiến sĩ thì ĐH Western Sydney đang ở Top 500 ĐH hàng đầu thế giới; với nỗ lực không mệt mỏi, Western Sydney liên tục lên các Top trên hằng năm. Vừa mới đây, đầu tháng 9/2021, Tạp chí Times Higher Education đã công bố bảng xếp hạng trong đó Western Sydney nằm trong Top 1%, tức Top 250 các Đại học hàng đầu thế giới. Như vậy, từ năm nay, các game thủ chúng mình được nâng hạng thi đấu ở giải Ngoại hạng rồi nè :D. Vậy còn chần chờ gì nữa, chúng ta cùng nhau chinh phục 24 môn học để mài dũa và nâng hạng “vũ khí” thứ hai: tấm bằng cử nhân Western Sydney, sẵn sàng bước vào cộng đồng Công dân Toàn Cầu, các em nhé.
Còn vũ khí cuối cùng thì sao? Để mở được cánh cửa cuối cùng, mỗi “game thủ” hãy hướng tới mục tiêu sưu tầm được ít nhất một Thư mời làm việc của một Tập đoàn/Công ty Đa quốc gia. Tại sao lại phải là Tập đoàn/Công ty Đa Quốc Gia? Thực tế thì không phải em nào tốt nghiệp cũng đi làm thuê, các em có thể làm tự do, quản lý công ty gia đình hoặc tự khởi nghiệp; hoặc ngoài các công ty đa quốc gia thì trên thị trường không thiếu các công ty tốt ở mọi quy mô. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận là hệ thống và công nghệ tuyển dụng, cũng như công nghệ quản lý của các công ty đa quốc gia rất bài bản. Đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty này thì bạn có thể tự tin bước vào phỏng vấn ở bất kỳ công ty nào khác. Thêm nữa, được thực tập hoặc làm việc ở một môi trường chuyên nghiệp một thời gian, trải nghiệm này sẽ vô cùng hữu ích cho các em khi chuyển đổi công việc hoặc quản lý việc kinh doanh của mình hoặc gia đình; đúng không các em!
Như vậy, còn chần chờ gì nữa, từ hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bước vào hành trình học hỏi, rèn giũa “vũ khí”, không phải để theo bất kỳ tiêu chuẩn hay hình mẫu nào, mà để khi tốt nghiệp, mỗi em sẽ là phiên bản tốt nhất của chính mình, tự tin bước vào cộng đồng Công Dân toàn cầu, các em nhé.
Tiến sĩ Phan Thị Minh Thư
Giám đốc Chương trình Western Sydney Việt Nam
[1] Yuval Noah Harari (August 2018). 21 Lessons for the 21th Century. Spiegel &Grau (US); Jonathan Cape (UK).
[2] Yuval Noah Harari (March 2020). The World after Coronavirus. Financial Times (US)
[3] Knowledge cannot be TAUGHT; it can only be LEARNED”