Cử nhân Western Sydney: Ngành Marketing – bộ môn của những người sáng tạo đa năng
Ngành Marketing rất được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Điều gì đã làm nên sự hấp dẫn của chuyên ngành này?
Marketer: Nhiều thách thức, nhưng cũng nhiều tưởng thưởng
Ông Võ Văn Dung, giảng viên thỉnh giảng ngành Marketing tại Viện ISB, cho biết: “Theo VietnamWorks, ngành Marketing luôn nằm trong top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Theo số liệu của Trung tâm Dự báo năng lực quốc gia, từ nay đến năm 2025, mỗi năm Việt Nam cần hơn 21.000 marketer, chỉ tính riêng TP.HCM trong năm 2020, con số đó là hơn 10.000”.
Với kinh nghiệm 15 năm trong ngành, từng phụ trách lãnh vực Marketing của nhiều doanh nghiệp lớn như Generali Việt Nam, Manulife Việt Nam; AIA Việt Nam, Pepsico, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, ông Dung cho rằng, đây là một công việc đầy thách thức, đòi hỏi hy sinh nhiều nhưng luôn được tưởng thưởng xứng đáng.
“Học chuyên ngành Marketing ra sẽ làm gì? Đó có thể là người phụ trách xây dựng thương hiệu, là chuyên viên quan hệ công chúng (PR – Public Relations); là chuyên gia quảng cáo; nhân viên tiếp thị kỹ thuật số; người tổ chức sự kiện… Khó có thể liệt kê hết, nhưng đó là những đầu việc cơ bản nhất”, ông Dung giải thích.
Theo ông Dung, cũng như nhiều ngành nghề khác, Marketing tùy thuộc vào năng lực của từng người. Với những ai đam mê, hứng thú và nhiều năng lượng sáng tạo, thì đây là niềm đam mê thú vị. Ngược lại, đây cũng có thể là một loại công việc nặng nhọc, nhiều áp lực.
Đặc thù của Marketer là phải chịu được áp lực công việc cao do thường, không chỉ thuần túy làm một công việc trong cùng thời điểm. Marketer phải luôn sáng tạo, bởi thị trường và nhu cầu khách hàng liên tục thay đổi. Họ cũng là những người ứng biến giỏi để thích nghi với sự thay đổi liên tục đó, và phải chấp nhận làm việc ngoài giờ hoặc cuối tuần.
Ông Dung nhấn mạnh: “Áp lực nhiều. Bận rộn nhiều. Nhưng, sự tưởng thưởng của nghề là không giới hạn. Một sinh viên mới ra trường có thể có mức lương 5 đến 10 triệu VND/tháng. Sau 3 đến 5 năm, nếu làm tốt, lương sẽ tăng từ 20 đến 40 triệu. Sau 6 đến 8 năm chăm chỉ, tiến bộ, lương sẽ là 60 đến 80 triệu”.
“Như tôi hoặc nhiều anh chị khác, sau 10, 15 năm, lên đến cấp lãnh đạo thì mức lương có khi lên đến 150 – 200 triệu. Ngoài ra, có rất nhiều cơ hội thăng tiến và chọn lựa để thay đổi công việc, dù tôi không khuyến khích bạn nhảy việc liên tục”, ông cho biết.
Ngành Marketing của Cử nhân Western Sydney: Đào tạo sự chuyên nghiệp
Hãy hình dung, ngay từ những ngày nhập môn, bạn sẽ cùng với 4 đến 5 bạn học khác trong lớp cùng thành lập một công ty. Công ty bạn sẽ cạnh tranh với các công ty khác trên thị trường, với các hoạt động kinh doanh, các giải pháp Markerting. Bạn phải quyết định các thương vụ lớn. Phải quản lý rủi ro. Và sau 12 tuần, bạn sẽ dừng lại để so sánh với những công ty khác, xem thử mình thắng hay bại.
Đây là một trò chơi mô phỏng trực tuyến trong môn Chiến lược Makerting của Cử nhân Western Sydney. Kết thúc, là việc nhóm của bạn phải thuyết trình về hoạt động của công ty bạn. Và mỗi sinh viên sẽ có một bài đúc kết chừng 1.000 từ để nhận diện bài học từ thành công hay thất bại của công ty bạn.
Cô Nguyễn Thúy Hằng – Giảng viên chương trình Cử nhân Western Sydney cho biết, ngành Marketing cũng như các chuyên ngành khác của Viện ISB đều bằng giảng dạy bằng Anh ngữ toàn bộ.
Giai đoạn 1, SV sẽ học hai môn cơ bản: Nguyên lý Marketing và Hành vi người tiêu dùng. Giai đoạn 2, SV sẽ có 12 môn học, gồm 6 môn nền tảng về nghề Marketing như kỹ năng nghiên cứu thị trường, kỹ năng truyền thông, nghiên cứu sáng tạo và 6 môn chuyên sâu như Quản trị thương hiệu, Chiến lược Marketing… và kết thúc chương trình là Dự án Marketing.
Thực tế, SV của chương trình đều xin được việc làm trước kỳ cuối. Và rất nhiều SV đã mang dự án của công ty giao về để thực hiện bài tập cuối cùng này.
Cô Hằng chia sẻ: “Kiến thức là đương nhiên. Nhưng bên cạnh kiến thức, chương trình rất chú trọng đến đào tạo kỹ năng và thái độ khoa học cho SV. Đây chính là những yếu tố mà nhà tuyển dụng đòi hỏi. Quá trình học, SV luôn được rèn luyện khả năng làm việc nhóm; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng phản biện…
Triết lý cơ bản của chương trình là Học đi đôi với hành. Lý thuyết trên thế giới sẽ được giải thích bằng thị trường Việt Nam, ngược lại, thực tế sẽ được soi chiếu bằng các mô hình khoa học để SV có thể giải quyết những vấn đề từ thực tiễn muôn hình muôn vẻ sau này”.
“SV được thụ hưởng một môi trường đào tạo cởi mở. Quan trọng nhất là việc phát triển khả năng tự học, tự nghiên cứu, phù hợp với sự thay đổi liên tục của xu hướng tiêu dùng, hành vi khách hàng. Nghe giảng bài chỉ là một phần”.
“Thảo luận nhóm, thuyết trình cá nhân, thuyết trình nhóm, làm bài tập, chơi các games giả lập, đọc trước tài liệu, tự dựng video để trình chiếu… là những đầu việc chiếm gần hết thời gian của một SV. Rất vất vả, nhưng SV đều chung một nhận xét: bản thân thay đổi rất nhiều, tích cực hẳn lên” – cô Hằng nói thêm về quá trình học tập chuyên ngành Marketing.
Ngành Marketing của Cử nhân Western Sydney là một trong ba chuyên ngành học hoàn toàn tại Việt Nam với thời gian đào tạo là 3 năm. Bằng Cử nhân do ĐH Western Sydney cấp, có giá trị như nhau trên toàn cầu. Chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh tại Viện ISB (Trường ĐH Kinh tế TP. HCM). Ngoài ngành Marketing, chương trình Cử nhân Western Sydney còn có ngành Tài chính ứng dụng, ngành Kinh doanh quốc tế…
Xem thêm về chương trình Cử nhân Western Sydney
Theo Vietnamnet