CEO ELSA: “MBA mở ra cho tôi nhiều cánh cửa cơ hội”
Nữ doanh nhân tài giỏi, bản lĩnh cùng thành tích học tập xuất sắc là điều nhiều người biết đến khi nói về CEO ELSA Văn Đinh Hồng Vũ.
Trong buổi hội thảo MBA For Success, chị Vũ có những chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, góc nhìn học vấn và lời khuyên đến các bạn trẻ cho con đường sự nghiệp.
Nền tảng học thuật vững chắc với tấm bằng MBA
Là gương mặt nổi bật của báo Tuổi Trẻ 10 năm trước, Văn Đinh Hồng Vũ từng chia sẻ mơ ước trở thành đại sứ của Việt Nam. Với tham vọng đó, mới ngoài 20 tuổi, Hồng Vũ đã tự tin đại diện thanh niên Việt Nam đi qua 10 nước, tham dự hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục.
Song, những chuyến đi ấy dần thay đổi giấc mơ đại sứ của Vũ bằng khát vọng cải tiến giáo dục. Sau khi tốt nghiệp, cuộc đời cô là hành trình 10 năm lập nghiệp từ Đan Mạch đến Mỹ, qua 2 học bổng MBA và Thạc sĩ Giáo dục của Ðại học Stanford.
Hồi tưởng lại, chị Vũ ví von cuộc sống như một con tàu, tốt nghiệp đại học rồi kiếm việc làm, phải là một công việc tốt, rồi thăng chức. Và cứ theo con đường ấy, mình sẽ quên mất rằng mình là ai, mình muốn làm gì, điểm mạnh của mình ở đâu.
“Hai năm học MBA là khoảng lặng để Vũ hiểu chính mình. Ý thức mình muốn trở thành ai là điều quan trọng nhất trong cuộc đời để mình không có chạy mãi theo con đường thành công theo hệ quy chiếu xã hội định sẵn: phải đi làm, phải kiếm tiền, phải thăng chức, phải lập gia đình.”
Hồng Vũ chia sẻ: “Nếu không có hai năm đó, có lẽ Vũ đã bị cuốn vào dòng cuộc sống và quên mất đam mê của chính mình”.
Kể về những khó khăn đầu tiên ĐH Stanford, Vũ chia sẻ, dẫu có nền tảng học tập vững chắc, Hồng Vũ vẫn cảm thấy tự ti và tự nghi ngờ bản thân. Hồi tưởng lại, chị kể: “Nửa năm đầu Vũ cảm thấy mình rất nhỏ bé và không biết mình ở đâu. Thậm chí, Vũ còn không dám phát biểu ý kiến bởi nghĩ bản thân thua kém bạn bè và không dám giao tiếp với mọi người.”
Mãi đến một buổi trò chuyện, khi có cơ hội lắng nghe câu chuyện của các bạn học, Hồng Vũ mới vỡ lẽ: “Những bạn học tài giỏi ở Stanford cũng có những yếu điểm riêng. Đừng sợ hãi mà hãy tự tin, hoàn thiện mình để vượt qua trở ngại.”
Luôn đạt điểm cao và thành tích tốt thời đại học, Hồng Vũ có tính cạnh tranh khá lớn. Đến ĐH Stanford thì khác hoàn toàn, trường có chính sách không chia sẻ điểm số với bất kỳ ai. Hồng Vũ nhớ lại chia sẻ từ người đồng môn: “Đừng quá lo lắng về điểm số mà điều quan trọng hơn những điều mình học được từ ngôi trường này.” Lời khuyên đó đã giúp Vũ dần dần hiểu được vị thế bản thân, biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình và xác định được mục tiêu mình nên theo đuổi ở ĐH Stanford.
Giá trị tri thức trên con đường khởi nghiệp
Hiện là Co-founder và CEO của ELSA, Hồng Vũ vẫn luôn đề cao giá trị của tri thức. Khi được hỏi về những kiến thức, kỹ năng nào đóng góp cho việc khởi nghiệp, Hồng Vũ thẳng thắn chia sẻ: “Đối với người khởi nghiệp, tri thức và kỹ năng thay đổi từng ngày. Bởi vì, công ty phát triển thì tri thức và kỹ năng cũng lớn lên từng ngày. Do đó, cái quan trọng nhất giúp mình thành công là khả năng học.”
Những kiến thức học được từ MBA có thể đã thay đổi theo thời gian, nhưng đối với Vũ, tư duy được đào tạo ở trường như khả năng phản biện, phân tích, giải quyết vấn đề vẫn đi theo chị dù ở bất cứ công việc, vị trí hay giai đoạn nào trong sự nghiệp.
Điển hình khi gặp khó khăn, thay vì chỉ gói gọn trong những giải pháp có sẵn, với tư duy và khả năng tự học Vũ có thể tự nghiên cứu, tìm tòi ra nhiều giải pháp mới phù hợp hơn trong từng giai đoạn khởi nghiệp.
Do đó, chị nhận định: “Tư duy và khả năng tự học là hai yếu tố quan trọng nhất. Bởi lẽ một doanh nghiệp khởi nghiệp thì sẽ phát triển rất nhanh. Khi công ty phát triển 5 lần thì bản thân người khởi nghiệp phải cùng với đó phát triển 10 lần thì mới có thể thành công. Nếu người làm khởi nghiệp không bắt kịp sự phát triển của doanh nghiệp thì khó có thể thành công được.”
Thông qua đó, Hồng Vũ gửi lời khuyên chân thành đến các bạn trẻ: “Không ngừng học hỏi và phát triển bản thân. Hãy kiên trì, tiếp tục cố gắng và xây dựng văn hóa bền bỉ cho công ty và bản thân mình để tiếp bước trên hành trình phía trước.”
Khép lại buổi hội thảo, chị Vũ kết luận, MBA là nền tảng tri thức, nó không thay đổi được khả năng mỗi người mà quan trọng hơn “MBA mở ra cho người học nhiều cánh cửa cơ hội mới”. Tuy nhiên, việc nắm bắt, biến đó trở thành cơ hội tốt hay không nằm ở sự cố gắng và nỗ lực của chính cá nhân người học.
Nguồn: CAFEF