Bác sĩ học MBA & góc nhìn người đi trước – TGĐ Besins Healthcare VN
Hiện nay, các thạc sĩ kinh doanh có thể có xuất phát điểm từ nhiều ngành nghề. Vậy Kinh doanh và Y dược, hai lĩnh vực tưởng chừng không liên quan này liệu rằng có thể kết hợp với nhau hay không?
Tại chương trình MBA For Success do ISB tổ chức với chủ đề “bác sĩ học MBA”, ThS. BS Nguyễn Thành Danh, Tổng Giám đốc Besins Healthcare Việt Nam, đã chia sẻ góc nhìn của một bác sĩ doanh nhân với hơn 25 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong lĩnh vực quản trị kinh doanh ngành y dược.
2 kỳ vọng khi học MBA của chàng bác sĩ
Năm 1993 sau khi tốt nghiệp bác sĩ tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chàng trai trẻ Nguyễn Thành Danh bắt đầu học bác sĩ nội trú, lấy chứng chỉ hành nghề trước khi làm việc và tiếp tục học MBA để theo đuổi lĩnh vực kinh doanh. Ông từng có thời gian làm việc tại cơ quan y tế nhà nước rồi mở phòng mạch riêng, sau đó “đánh lái” sang một hướng mới là về “đầu quân” cho các công ty y dược hàng đầu thế giới như AstraZeneca, Bayer, Sanofi, Pfizer,…
Do “tay ngang” chuyển sang lĩnh vực kinh doanh y dược, ông Danh chia sẻ dù tự bồi dưỡng và được các công ty đào tạo rất nhiều về quản trị Sales & Marketing, kỹ năng quản lý chung…, trải nghiệm chuyển hướng marketing là khóa học Marketing Strategy Development Group (do AstraZeneca, Oxford University và MSDG phối hợp đào tạo). Với các kinh nghiệm tích góp chưa mang tính tổng quát trong khi càng lên những vị trí cao trong nghề nghiệp, bạn buộc có kiến thức đa dạng chuyên môn, sâu hơn, rộng hơn,… chàng bác sĩ khi ấy đã quyết định theo học và chinh phục thành công tấm bằng MBA. Theo ông, năng lực quản lý cần có bài bản, hệ thống. Đặc biệt khi đối tượng quản lý là con người, sự chuẩn mực lại cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, đối với người lãnh đạo trong một công ty kinh doanh y dược, ngay cả ở vị trí quản lý cấp trung và bắt đầu, kiến thức tài chính luôn là thiết yếu và giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề thực tiễn, để ra quyết định, ghi nhận công việc hiệu quả hơn. Cấp bậc càng cao, hiểu biết về tài chính càng phải vững vàng. Điều này khó lòng “nghề dạy nghề” với xuất phát điểm là một bác sĩ. Và chương trình học MBA đã giúp ông “lấp đầy” các kiến thức, kỹ năng “khuyết”, tháo gỡ dần từng khó khăn trong quản trị kinh doanh về y dược.
Học MBA: Nên học rộng hay đào sâu?
Về việc có nên học thạc sĩ kinh doanh MBA trước rồi vào chuyên sâu sau, hay cần “học sâu” một mảng trước MBA? Ông Danh cho rằng các bạn trẻ ngành y có khá nhiều hướng học lên chuyên môn sâu, như thạc sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa, tiến sĩ. Các khối ngành kinh tế cũng tương tự. Trong khi đó, học MBA cho bạn kiến thức rộng về quản trị kinh doanh, dù hiểu biết ở từng mảng có thể không sâu nhưng được khái quát.
Quyết định “học sâu” rồi mở rộng kiến thức; hoặc học MBA để hiểu tổng quát, hiểu điểm mạnh, chuyên môn để phát triển sâu sẽ tùy vào mỗi người. Bạn cần cân nhắc tùy vào bản thân, hoàn cảnh và môi trường mình đang đối mặt để lựa chọn.
Cá nhân TGĐ Besins Healthcare Việt Nam cho biết mình đã là một bác sĩ theo học MBA khi cả chiều sâu và rộng đều chưa có. Khi bắt đầu với Sales hay chuyển sang Marketing trong kinh doanh, ông đều phải tự tìm hiểu và trau dồi thêm. Cuối cùng khi lên cấp quản lý cao hơn, ông mới cần mở rộng “bề ngang”.
Vì vậy theo ông các bạn trẻ tùy theo ý thích, năng lực của bản thân, có thể chọn hướng học “sâu” hay “rộng”. Với những bạn học ngành y có định hướng tương tự mình, ông Danh khuyên nên chuyên sâu vào các vị trí nghề nghiệp được giao trước, phục vụ cho công việc trước mắt, rồi mới nên học MBA để có tầm khái quát.
Đặc biệt, nếu chọn học thạc sĩ kinh doanh, cần xác định bạn sau này sẽ quản trị cái gì, sẽ là trưởng nhóm, trưởng phòng, lãnh đạo doanh nghiệp hay tự mở công ty riêng?
Học MBA mà không sử dụng kiến thức, sách vở rồi cũng sẽ “trả chữ” lại cho thầy. Vì vậy hãy cân nhắc việc học MBA nếu công việc hay định hướng không liên quan gì đến quản trị. Nói cách khác, MBA cần có “đất diễn” cho những gì bạn đã lĩnh hội.
Về chương trình MBA trước đây, bác sĩ doanh nhân Nguyễn Thành Danh chia sẻ lớp học MBA như một công ty, thời gian dành cho việc học còn nhiều hơn cho công việc. Ở đó, các bạn học có xuất thân đa dạng, từ nhiều chuyên môn khác nhau, cùng hội tụ và giải quyết những bài tập, dự án chung suốt một thời gian dài.
Nhiều người bạn học đến giờ vẫn gắn bó thân thiết và coi nhau như đồng nghiệp. Ông Danh khẳng định bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ chính những bạn học. Bạn còn có thể rèn luyện khả năng giao tiếp ngay trong nội bộ những nhóm học. Sau tốt nghiệp, các mối quan hệ này cũng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp riêng, như một giá trị cộng thêm của tấm bằng thạc sĩ kinh doanh MBA.