“Nuôi” kiến thức Kinh doanh Quốc tế để chạm tay đến những vị trí công việc trong mơ
Với sự toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh có thể xem xét việc chọn ngành Kinh doanh Quốc tế. Trong ngành này, sinh viên sẽ được học về về các phương pháp kinh doanh, văn hóa và chính trị của các quốc gia trên thế giới. Từ đó, sinh viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để làm việc trong các lĩnh vực như thương mại quốc tế, đầu tư, quản lý doanh nghiệp, marketing và nhiều lĩnh vực khác. Bên cạnh đó, sinh viên theo học ngành này là những người không chỉ muốn tìm hiểu về các xu hướng thương mại, mà còn mong muốn khám phá thế giới và vượt qua các ranh giới, cả về mặt vật lý và xã hội.
Tại sao việc chọn học ngành Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Western Sydney lại mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp?
Ngành Kinh doanh Quốc tế tại Đại học Western Sydney là bệ phóng lý tưởng dành cho những bạn muốn bước vào thế giới kinh doanh toàn cầu. Chương trình được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức chuyên sâu và chặt chẽ về cách vận hành trong lĩnh vực Kinh doanh Quốc tế. Ngành này bao gồm các môn học quan trọng như Toàn cầu hóa bền vững, Chiến lược kinh doanh quốc tế, Quản lý môi trường toàn cầu và Marketing quốc tế.
Ngoài ra, chương trình cũng tập trung vào việc ứng dụng kiến thức vào thực tiễn thông qua các dự án, nghiên cứu và thực tập tại các doanh nghiệp lớn. Điều này giúp sinh viên phát triển kỹ năng làm việc trong môi trường kinh doanh thực tế, cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất cho sự nghiệp tương lai trong lĩnh vực này.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh Quốc tế có thể làm việc ở những vị trí nào?
Việc sở hữu bằng Cử nhân Kinh doanh, ngành Kinh doanh Quốc tế của Đại học Western Sydney mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn trong nhiều lĩnh vực.
1. Xuất nhập khẩu
Chuyên viên Kinh doanh Xuất nhập khẩu: Là người tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tư vấn sản phẩm, dịch vụ, đàm phán hợp đồng, theo dõi tiến độ giao dịch, chăm sóc khách hàng. Ở vị trí này, sinh viên sẽ cần trau dồi kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng đàm phán, kiến thức về thị trường quốc tế cũng như luật xuất nhập khẩu,…
Chuyên viên Vận tải Xuất nhập khẩu: Là người lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa, lựa chọn phương tiện vận tải, làm thủ tục hải quan, theo dõi tiến độ vận chuyển. Các doanh nghiệp thường sẽ tìm kiếm những ứng viên có kiến thức về logistics, thủ tục hải quan, kỹ năng giao tiếp, quản lý thời gian tốt,…
Chuyên viên Chứng từ Xuất nhập khẩu: Là người chuẩn bị hồ sơ, chứng từ xuất nhập khẩu, kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ, nộp hồ sơ cho cơ quan hải quan. Để làm tốt vị trí này, sinh viên cần trang bị cho bản thân kỹ năng soạn thảo văn bản, kiến thức về luật xuất nhập khẩu, quy trình hải quan,…
Chuyên viên Dịch vụ Khách hàng: Là người giải đáp thắc mắc của khách hàng về thủ tục xuất nhập khẩu, hỗ trợ khách hàng trong quá trình giao dịch. Vị trí này sẽ cần những người có kỹ năng giao tiếp tốt, kiến thức về xuất nhập khẩu cũng như khả năng xử lý tình huống.
Hiện nay, các doanh nghiệp như Tập đoàn FPT, Sovico Group, Gemadept,…đang tìm kiếm các nhân tài trong lĩnh vực này.
2. Chiến lược và phát triển
Chuyên viên lập kế hoạch Kinh doanh: Là người lập kế hoạch kinh doanh, lên chiến lược marketing, triển khai dự án,… Những kỹ năng cần thiết cho vị trí này là kỹ năng lập kế hoạch, quản lý dự án, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình,…
Chuyên viên Phân tích Thị trường: Là người nghiên cứu thị trường, đánh giá tiềm năng và đưa ra dự báo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Yêu cầu của vị trí này là kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình…cũng như hiểu biết về thị trường và nắm vững kiến thức kinh doanh.
Chuyên viên Tư vấn Quản trị: Là người đề xuất giải pháp và chiến lược phát triển cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Để đáp ứng yêu cầu của vị trí này, sinh viên sẽ cần có kiến thức chuyên môn sâu rộng về kinh doanh và sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp, kỹ năng tư vấn, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng giao tiếp,…
Một số doanh nghiệp như Boston Consulting Group, McKinsey & Company, KPMG,…vẫn luôn tìm kiếm những ứng viên tài năng cho các vị trí này.
3. Quản trị kinh doanh
Chuyên viên phát triển kinh doanh: Là người tìm kiếm và phát triển cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Đồng thời, họ giúp doanh nghiệp xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, họ còn là người thực hiện kế hoạch bán hàng để tăng trưởng doanh số cho doanh nghiệp.
Vị trí này sẽ cần một số kỹ năng như kỹ năng giao tiếp tốt, kỹ năng đàm phán, kỹ năng phân tích thị trường, kỹ năng phân tích đối thủ cạnh tranh cũng như kiến thức về bán hàng và sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp.
Chuyên viên Tư vấn Chiến lược: Là người phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và đề xuất các giải pháp chiến lược phù hợp để tối ưu hiệu quả. Bên cạnh đó, họ còn hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp chiến lược đã được đề xuất. Ngoài ra, họ còn nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động của các chiến lược.
Những sinh viên muốn làm ở vị trí này cần trau dồi những kỹ năng như kỹ năng phân tích và tư duy chiến lược, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt cũng như kiến thức về sản phẩm của doanh nghiệp.
Chuyên viên quản lý dự án: Là người lập kế hoạch và triển khai các dự án của doanh nghiệp, quản lý ngân sách và thời gian của dự án. Sau đó theo dõi và giám sát tiến độ của dự án và báo cáo kết quả dự án cho ban lãnh đạo. Đồng thời, họ cũng cần giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.
Để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp tại vị trí này, sinh viên cần trau dồi cho mình nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng giao tiếp và thuyết trình tốt, kỹ năng giải quyết vấn đề và kiến thức về quản trị kinh doanh.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn và các tập đoàn như Vinamilk, Masan Group, Unilever,… đều đang tìm kiếm những nhân tài đáp ứng đủ những kỹ năng và kiến thức chuyên môn tốt với chế độ đãi ngộ hậu hĩnh.
4. Nghiên cứu kinh doanh
Chuyên viên nghiên cứu thị trường: Là người thu thập và phân tích dữ liệu thị trường để cung cấp thông tin cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, họ còn là người nghiên cứu xu hướng thị trường, đối thủ cạnh tranh và nhu cầu khách hàng cũng như chịu trách nhiệm báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Để đáp ứng được yêu cầu công việc cho vị trí này, sinh viên cần trau dồi cho bản thân những kỹ năng như kỹ năng thu thập và phân tích dữ liệu thị trường, kỹ năng nghiên cứu xu hướng thị trường, kỹ năng đối thủ cạnh tranh và nhu cầu khách hàng cũng như kỹ năng báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường,… và kiến thức về các phương pháp nghiên cứu thị trường.
Chuyên viên phân tích dữ liệu kinh doanh: Là người thu thập và phân tích dữ liệu kinh doanh để giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định tốt hơn. Đồng thời, họ cũng là người sử dụng các công cụ và kỹ thuật thống kê để phân tích dữ liệu và báo cáo kết quả phân tích dữ liệu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ cần những ứng viên có những kỹ năng như kỹ năng thu thập và xử lý dữ liệu kinh doanh, kỹ năng sử dụng các công cụ và kỹ thuật thống kê để phân tích dữ liệu. Ngoài ra, ứng viên còn cần có kiến thức về thống kê và toán học, kiến thức về các công cụ phân tích dữ liệu như SPSS, SAS,…và kiến thức về quản trị kinh doanh.
Chuyên viên nghiên cứu chiến lược: Là người nghiên cứu và phân tích môi trường kinh doanh để phát triển chiến lược cho doanh nghiệp. Đồng thời họ cần đánh giá hiệu quả hoạt động chiến lược và đề xuất các giải pháp cải tiến.
Những kỹ năng và kiến thức cần thiết cho vị trí này như là kỹ năng nghiên cứu và phân tích môi trường kinh doanh, kỹ năng phát triển chiến lược cho doanh nghiệp và khả năng đánh giá hiệu quả hoạt động chiến lược. Bên cạnh đó, việc nắm vững những kiến thức về quản trị kinh doanh và các phương pháp nghiên cứu chiến lược là vô cùng quan trọng.