VNE | Sai lầm người trẻ thường gặp khi khởi nghiệp
Theo TS. Lý Quí Trung, người trẻ thường thiếu kỹ năng thuyết phục, sự chuẩn bị về kiến thức và cân bằng cảm xúc – lý trí nên khởi nghiệp dễ thất bại.
Bàn về những sai lầm khi khởi nghiệp trong tập 10 tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học”, TS. Lý Quí Trung – nhà đồng sáng lập Phở 24, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney (Australia) nhận định, doanh nhân cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng tổng hợp để thành công. Việc thiếu hay mất cân bằng trong một số yếu tố quan trọng có thể khiến người khởi nghiệp thất bại bất cứ lúc nào.
Thiếu kỹ năng thuyết phục
Vị chuyên gia khẳng định, muốn làm doanh nhân, người trẻ nhất định phải có kỹ năng thuyết phục. Trên thực tế, có rất nhiều người có đam mê, khát khao kinh doanh rất lớn nhưng lại không thể truyền đạt điều đó cho người khác.
Kỹ năng này cũng là sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo thành công với một cá nhân thành công. Ví dụ như một nhà nghiên cứu khoa học rất đam mê ngành nghề của mình nhưng chưa chắc họ đã truyền tải cho người khác. Ngược lại, cũng có đam mê đó nhưng thầy giáo dạy khoa học lại có thể truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ học sinh.
“Như vậy, một khi đã làm doanh nhân, nhà sáng lập, tức trở thành người đứng mũi chịu sào của doanh nghiệp mình lập nên, chắc chắn chúng ta phải có kỹ năng thuyết phục”, ông khẳng định.
Tuy nhiên, thuyết phục có thể là tố chất bẩm sinh. Nếu như không có tố chất này, người trẻ cần tích lũy và cải thiện thông qua quá trình học tập và trải nghiệm thực tế bởi đây là một phần của kỹ năng mềm.
Trong quá trình thành lập thương hiệu đầu tiên – Phở 24, TS. Lý Quí Trung phải thuyết phục nhiều người, từ gia đình, cộng sự đến đối tác. Bởi lẽ, tại Việt Nam lúc bấy giờ, mô hình kinh doanh nhượng quyền hoàn toàn mới lạ và còn nhiều hạn chế về kiến thức và pháp luật.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp chỉ kinh doanh sản phẩm vốn bình dân như phở, việc thuyết phục chủ nhà cho thuê mặt bằng đắc địa lúc ban đầu cũng không dễ dàng. Người này lo doanh thu nhà hàng có thể không đủ để chi trả tiền nhà.
Tuy nhiên, bằng kỹ năng thuyết phục và niềm đam mê, khát khao xây dựng mô hình kinh doanh khác biệt, ông đã chiếm được lòng tin của chủ mặt bằng. Những điều này còn giúp ông chiêu mộ thành công đội ngũ người tài sẵn sàng từ bỏ cơ ngơi lớn để theo mình.
“Tôi cho họ thấy đây không phải một tiệm phở bình thường mà sẽ là một chuỗi nhà hàng rất lớn. Chính vì sự khát khao và niềm đam mê lan tỏa ra từ ánh mắt, lời nói, chủ nhà đã đồng ý cho tôi thuê địa điểm”, ông kể lại.
Mất cân bằng cảm xúc và lý trí
“Đam mê và niềm khát khao không đảm bảo sự thành công nhưng đó là điều kiện cần. Yếu tố đủ là kiến thức, kỹ thuật. Do đó, dù khát khao, đam mê rất lớn, người khởi nghiệp vẫn có thể thất bại”, ông Trung khẳng định.
Sự đam mê là cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Lý trí là tính toán, logic. TS. Lý Quí Trung cho biết, đa số khởi nghiệp đều thất bại, cứ 10 người thì 7-8 người không thành công. Một phần trong đó là các nhà khởi nghiệp trẻ để tình cảm lấn át lý trí.
Khi có đam mê, khát khao, điều đầu tiên một doanh nhân cần làm là tính toán xem dự án đó có thực sự khả thi hay không. Niềm đam mê giúp người kinh doanh có sự quyết tâm, tâm huyết với dự án tính nhưng câu trả lời cho câu hỏi: khả thi đến đâu, chuẩn bị thế nào, dùng đến kiến thức gì hay đến thời điểm chín muồi chưa là điều không thể thiếu.
“Không chỉ trong kinh doanh hay khởi nghiệp, lúc nào, các bạn trẻ cũng cần giữ tình cảm và lý trí cân bằng. Nếu đặt nặng một trong hai yếu tố, ai cũng có thể thất bại”, ông nhấn mạnh.
Đề cân bằng hai yếu tố này, doanh nhân trẻ cần có tư duy phản biện trong mọi trường hợp. Mỗi người có thể tự mình phản biện mình, không chủ quan và chủ động tham khảo ý kiến từ mọi người xung quanh như người nhà, bạn bè, giảng viên… Lưu ý, quá trình tham khảo cần chọn đối tượng có thể đưa ý kiến chân thực, không khách sáo.
Tuy nhiên, theo TS. Lý Quí Trung, thái độ đối diện với thất bại cũng là một phần của lý trí. Khi bước vào con đường kinh doanh, ai cũng cần chuẩn bị trước sự “thất bại”. Sự khác biệt giữa một người khởi nghiệp thành công và ngược lại nằm ở điều này. Khi có cái nhìn đúng, dù vấp ngã, người khởi nghiệp cũng có thể đứng dậy, rút ra bài học và tiếp tục tiến lên.
“Với một người có cái nhìn đúng về khởi nghiệp, yếu tố thất bại đã được cài sẵn trong quá trình xây dựng, từ đó, kỳ vọng cũng được điều chỉnh theo”, ông nói thêm.
Thiếu sự chuẩn bị
Theo TS. Lý Quí Trung, nhiều bạn trẻ thiếu sự chuẩn bị. Tuy không nhất thiết chỉ khởi nghiệp khi mọi thứ phải rất chu toàn; có thể bắt đầu theo hướng tinh gọn, làm tới đâu, sửa tới đó, nhưng những yếu tố cơ bản, nền tảng phải vững chắc.
Ông ví đa số những cuộc khởi nghiệp thất bại như xây một căn nhà có nền móng không vững. Ví dụ như một sản phẩm đi trước thị trường sớm quá. Người khởi nghiệp nghĩ sản phẩm hay mô hình kinh doanh của mình lý tưởng. Tuy nhiên, ở ngoài thị trường không có người tiêu dùng đánh giá cao sản phẩm đó do ra mắt chưa đúng thời điểm.
“Đó là một cái bẫy chết người, một phần của sự đam mê, tin tưởng và chủ quan quá cao. Đam mê là tốt, phải có nó mới có lửa, nhưng cũng phải chú ý phần thực tế, tính toán xem bản thân có đủ tài chính hay không, bối cảnh phù hợp chưa…”, ông nói thêm.
TS. Trung phân tích thêm, trước đây khi muốn khởi nghiệp, nếu ý tưởng tốt, dự án kinh doanh chỉ cần vốn lưu động khoảng 3 tháng hay 6 tháng là có thể bắt đầu được bằng cách lấy rủi ro mở doanh nghiệp. Thế nhưng, sau Covid-19, tình hình khó khăn hơn và mọi thứ đều khó đoán trước, vốn lưu động cần phải đạt mức 8-9 tháng hoặc thậm chí đến cả năm. Vậy, nếu không đạt được tiêu chuẩn này, người khởi nghiệp rất dễ thất bại giữa chừng.
Như vậy, kiến thức nền tảng là yếu tố giúp doanh nhân trẻ tính toán được điều này, đồng thời, phân tích khách hàng của mình cần gì, muốn gì trong từng thời điểm. Chìa khóa thành công là phải hiểu khách hàng. Khám phá ra điều đó, người khởi nghiệp đã thành công được một nửa.
“Đa số khởi nghiệp thất bại là do sai với nhu cầu thực tế của người tiêu dùng”, ông nói thêm.
Theo VNExpress