Ông chủ WD Tax Services Pty Ltd – Úc: Du học MBA nên ở hay về?
Tại MBA Meetup do UEH-ISB tổ chức mới đây, anh Dương Đình Thuận – cựu học viên MBA khóa 2013, Đại học Western Sydney đã đúc kết những trải nghiệm quý báu trong hành trình gian nan khởi nghiệp trên đất Úc.
Du học MBA ngay khi vừa tốt nghiệp đại học với ước mơ làm giảng viên, anh Dương Đình Thuận đã rẽ lối chọn con đường khởi nghiệp. Anh hiện là nhà sáng lập và điều hành công ty WD Tax Services Pty Ltd (Úc).
Từ du học sinh đến ông chủ doanh nghiệp Thuế
Trải lòng về những khó khăn của một sinh viên trẻ du học MBA ở Úc và quãng thời gian đầu khởi nghiệp tại buổi trò chuyện, Thuận kể, thời gian đầu, anh gặp nhiều bất lợi vì rào cản ngôn ngữ, phải cân bằng việc kiếm thêm thu nhập để trang trải các khoản chi tiêu, nhà ở và áp lực hoàn thành việc học.
Hầu hết các du học sinh ở Úc đều trải qua quãng thời gian rất cực khổ trong vòng xoáy ban ngày đi học, chiều tối đi làm thêm, sau đó trở về nhà vào đêm khuya và tiếp tục làm bài tập, chuẩn bị bài cho ngày tiếp theo. Tuy nhiên theo Thuận, những áp lực đó cũng chính là động lực để anh vượt qua và có được thành công như ngày hôm nay.
Anh cho rằng, để tìm được những cơ hội tốt thì không còn cách nào khác ngoài việc nỗ lực hết mình. Anh kể bản thân từng phải làm hàng loạt công việc chân tay như chạy bàn, rửa chén, giao rau củ quả, nhổ cỏ… Sau một thời gian, anh mới bắt đầu tìm được những công việc đúng chuyên môn như thư ký luật sư và kế toán.
Những trải nghiệm về công việc cùng những kiến thức anh có được từ chương trình học MBA đã giúp anh thay đổi tư duy và “nâng cấp” chính mình trong lĩnh vực mà anh theo đuổi.
Theo Thuận, khi thực hiện bất cứ mục tiêu nào, bạn trẻ luôn phải tìm được động lực cụ thể. Khi động lực đủ lớn, bạn sẽ có sức mạnh vượt qua những thử thách. Ngoài ra, lời khuyên anh mong muốn mang đến cho các bạn trẻ là phải hoàn thiện bản thân, từ kiến thức chuyên môn và các vấn đề xoay quanh nó cho đến các kỹ năng mềm và mở rộng các mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần kiên định với con đường đã chọn để đạt được những gì mình mong muốn.
Du học MBA: Ở hay về?
Sau du học MBA, nên ở hay về là câu hỏi đầy đầy trăn trở của không ít du học sinh khi phải tính toán được mất, cơ hội cũng như thách thức. Lựa chọn nào cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng, tùy vào định hướng của bản thân mỗi người để có quyết định phù hợp.
Anh Thuận nhận định: “Nếu bạn chọn con đường định cư ở Úc thì cánh cửa sự nghiệp của bạn sẽ rộng mở. Bạn sẽ có cơ hội xin vào làm cho các công ty bên Úc với mức thu nhập và chính sách phúc lợi tốt đủ để lo cho cuộc sống tại Úc và gia đình tại Việt Nam. Bạn có thể cầm passport Úc để đi mọi quốc gia trên thế giới mà không phải lo lắng gì. Đó là động lực phấn đấu của rất nhiều du học sinh. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, các bạn ấy cũng phải trải qua không ít cực khổ”.
Một trong những vất vả dễ dàng nhận ra đó chính là phải sống xa gia đình, tự lập trong tất cả mọi thứ, chi trả rất nhiều khoản tiền… Ngược lại nếu chọn về nước, tấm bằng MBA của Úc có thể mang đến cho bạn những vị trí ở các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn với mức lương cao và cơ hội thăng tiến trong công việc. Bạn được sống gần gia đình và nhận được sự hỗ trợ từ người thân bất cứ khi nào bạn cần.
Theo anh Thuận, dù là chọn lựa nào bạn cũng đều phải đánh đổi cũng như đặt lên bàn cân để phân tích. Một hướng đi nữa mà anh đưa ra khi du học MBA đó chính là tìm cách định cư, lấy quốc tịch Úc và di chuyển, làm việc giữa 2 nước. “Du học sinh cũng có thể tìm kiếm một công ty liên doanh với Úc để làm việc”, anh Thuận gợi ý thêm.
Được hỏi về tầm quan trọng của nền tảng kiến thức đã lĩnh hội trong quá trình du học MBA, anh Thuận đánh giá chương trình học mang tính ứng dụng cao đã giúp anh rất nhiều trong việc thay đổi tư duy, phong thái làm việc cũng như xử lý một khối lượng công việc khổng lồ ở nhiều mảng khác nhau trong công ty của mình.
Nhà sáng lập và điều hành công ty WD Tax Services cho rằng: “Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bạn nên bỏ bớt cái tôi vì sau khi ra trường bạn còn phải học hỏi rất nhiều, chủ động trong tiếp cận phát triển chuyên môn. Đó là những bài học quý báu và là hành trang để đi đến thành công trong tương lai.”