Học MBA: Đừng nên “hối hả”
Một trong nhiều băn khoăn của không ít bạn trẻ theo khối kinh tế là không biết có nên tức thì học lên thạc sĩ – MBA, ngay sau tốt nghiệp đại học. Mấu chốt thường nằm ở định hướng sự nghiệp của bạn và sự tính toán kỹ lưỡng, tránh rơi vào cảnh “chuyện đã rồi”.
MBA hiệu quả tối đa chỉ khi…
Khách mời mới nhất trong chuỗi webinar MBA For Success do ISB tổ chức là Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) Lê Anh Tuấn.
“Lý lịch” của doanh nhân này có thể nói là đầy đủ… bằng cấp. Ông từng lấy bằng MBA tại Đại học Willamette (Mỹ) rồi tiếp tục chinh phục học vị tiến sĩ kinh tế tại Đại học Pennsylvania danh giá (Mỹ).
Dù vậy khi nhìn lại con đường học thuật của mình, ông Tuấn lại nhận xét đó là “một phần là sai lầm”. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, ông “xuất ngoại” đến xứ cờ hoa học MBA ngay. Sự liền mạch này có thể rất đáng tự hào cách đây khoảng 20 năm nhưng bây giờ, ông Tuấn lại cho rằng lẽ ra mình nên chậm lại một chút.
Ông Tuấn nhận ra rằng muốn học MBA thì tốt hơn các bạn trẻ nên có một khoảng thời gian đi làm. Giai đoạn này sẽ giúp tích lũy các kinh nghiệm thực tế, qua đó, sẽ biết mình còn thiếu sót gì, mình cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng ra sao để tạo thêm sức bật cho bản thân. Lúc này, chương trình MBA mới phát huy được tối đa hiệu quả và đóng góp đáng kể cho sự nghiệp của bạn.
“Sếp lớn” tại Dragon Capital Việt Nam tâm sự những năm 2000, thông tin về du học còn hạn chế, lại không có mấy người đi trước để tư vấn. “Lúc đó tôi nghĩ được du học là tốt rồi nên đã hối hả đi. Khi vừa nhận bằng từ Đại học Kinh tế TP.HCM, tôi đã vác ba lô lên đường. Nghĩ lại tôi thấy đó là sự thiếu kinh nghiệm”, ông nói.
Tiến sĩ vào thương trường được gì?
Ông Tuấn không dừng lại ở MBA, mà còn “chiến đấu” tiếp với chương trình tiến sĩ kinh tế kèm theo 2 cú “sốc” lớn. Thứ nhất, chỉ qua một hai học phần đầu tiên ở bậc tiến sĩ, ông nhận ra có gì đó “chưa đúng”. Ông thấy mình không thích hợp nghiên cứu hàn lâm mà muốn ứng dụng nhiều hơn. Có lúc ông nghĩ sẽ không thể theo nổi khối lượng kiến thức học thuật nặng nề này.
Thứ hai, đến những năm 2006-2007 khi hoàn tất chương trình và về nước, ông cảm nhận được những gì được học nơi xứ người như một thứ “xa xỉ”. Những nhà đầu tư khi đó vẫn không biết nhiều về các khái niệm như lạm phát, nhất là trong khi nhiều người đã kiếm được không ít từ thị trường chứng khoán bắt đầu bùng nổ.
Nhưng khi “bong bóng” có dấu hiệu sắp vỡ, người ta bắt đầu nghiêm túc quan tâm đến những vấn đề rộng và sâu hơn về chuyên môn kinh tế. Lúc này, những kiến thức hàn lâm khi học tiến sĩ lại phát huy tác dụng.
Giá trị quan trọng nhất của việc học, đặc biệt là sau đại học, theo ông Tuấn, nằm ở tư duy logic và khả năng xử lý vấn đề. Thời gian học sẽ cho bạn nền tảng để có năng lực phân tích đa chiều và vận dụng trong thực tiễn.
Khi đối mặt với những học phần “trên trời”, thậm chí nghiên cứu nhiều ngày liền vẫn không hiểu gì hết, nếu bạn vẫn tiếp tục cố gắng để hiểu bài và chinh phục tri thức cho bằng được, đồng nghĩa bạn đã tích lũy năng lực xử lý những vấn đề vô cùng hóc búa.
“Bạn nỗ lực thật nhiều để vượt qua chướng ngại, bạn sẽ có được bản tính không ngại “đâm đầu” vào cái khó hơn mình tưởng rất nhiều. Từ đó, những vấn đề rắc rối nhất trong đời sống thực, bạn đều có thể xử lý được”, ông Tuấn kết luận. Cũng chính điểm nổi trội này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định tốt nhất khi doanh nghiệp đương đầu với các thách thức chưa từng có, đặc biệt vào lúc thị trường đầy biến động.
Lê Anh Tuấn còn chia sẻ nhiều quan điểm về các xu hướng và cơ hội trong lĩnh vực đầu tư tài chính hiện nay, những kinh nghiệm thực tiễn, quý giá mà ông tích lũy sau quá trình học tập và tạo dựng sự nghiệp,…
Là chuyên gia về kinh tế và đầu tư ở thị trường Việt Nam, TS Lê Anh Tuấn từng dẫn dắt nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào chính sách vĩ mô và phát triển thị trường vốn, nắm giữ các vị trí quan trọng trong Hội đồng Đầu tư của các quỹ do Dragon Capital quản lý.
Nguồn: Brands Vietnam