Sinh viên nên học tổng quát hay tập trung chuyên ngành
Sự khác biệt của việc học tổng quát và chuyên ngành; lợi thế, mặt hạn chế của hai hướng đi này sẽ được các khách mời chia sẻ tại UniPrep tập 8, ngày 7/4.
Thời gian gần đây, có nhiều tranh luận về việc học sinh, sinh viên nên học tổng quát hay tập trung vào chuyên ngành. Mỗi hướng đi bộc lộ những ưu điểm và hạn chế riêng. Điều này khiến các bạn trẻ loay hoay và khó đưa ra quyết định trong việc lựa chọn ngành học.
Để trả lời cho câu hỏi chọn tổng quát hay chuyên ngành, các khách mời tại tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học” số 8, công chiếu ngày 7/4 trên VnExpress, sẽ phân tích kỹ sự khác biệt của hai hướng đi này. Từ đó các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên dựa trên kinh nghiệm và sự phù hợp đối với từng sinh viên, từng hoàn cảnh nhằm giúp sĩ tử có sự lựa chọn đúng đắn trước khi bước vào ngưỡng cửa đại học.
Diễn giả tham gia tọa đàm là ông Lê Đình Hiếu, CEO Học viện G.A.P; bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành và Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe. Người điều phối xuyên suốt chương trình là PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM.
Khi đối diện với câu hỏi chọn tổng quát hay chuyên ngành, nhiều người sẽ nghĩ bản chất chuyên ngành là những nhánh nhỏ. Về vấn đề này, các chuyên gia sẽ phân tích về sự khác biệt giữa hai hướng đi, lợi ích và bất cập học sinh có thể gặp phải nếu chọn một trong hai hướng, đồng thời đưa ra ví dụ cụ thể đối với ngành Quản trị Kinh doanh hoặc Kinh doanh Quốc tế.
Dựa trên kinh nghiệm thực tế, bà Thanh Nguyễn – nhà tuyển dụng chuyên nghiệp, ông Lê Đình Hiếu – nhà tư vấn hướng nghiệp sẽ đưa ra góc nhìn bản thân. Hai chuyên gia sẽ gợi ý việc lựa chọn nào tối ưu hơn cho các bạn trẻ sau khi bắt đầu đi làm. Làm thế nào khách phát huy lợi thế khi lựa chọn một trong hai định hướng?
Phần hai của tọa đàm sẽ đi sâu hơn với việc định hướng học tập và đào tạo từ phía học sinh, phụ huynh và nhà trường. Ở phần này, các chuyên gia sẽ đưa ra quan sát, nhận định về xu hướng chọn ngành tổng quát hay chuyên ngành thời gian gần đây? Bên cạnh đó, đứng trước quyết định chọn trường, chọn ngành, các bạn học sinh cần có sự chủ động định hướng và tìm hướng đi phù hợp với bản thân. Vậy nên dù là chọn ngành hẹp hay rộng, các khách mời sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích từ kinh nghiệm thực tế.
Tiến sĩ Lê Đình Hiếu từng có thời gian học tập và nghiên cứu tại UCLA, Stanford, University of Pennsylvania và Harvard. Năm 2016, ông được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30, và là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Với nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp, hiện ông là nhà lãnh đạo giáo dục tại G.A.P Institute, MAX Education, Hear.Us.Now.
Bà Thanh Nguyễn từng đạt các danh hiệu như Doanh nhân Việt Nam đầu tiên trở thành Facebook Influencer năm 2017; Người Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng quốc tế “Cống hiến cho Cộng đồng Nhân sự” do HRD Asia Congress vinh danh năm 2017; Người truyền cảm hứng hạnh phúc cho đối tác Google Premier năm 2018-2020 do Google bình chọn.
Theo VNExpress