Tiến sĩ Lý Quí Trung, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia cho rằng đại dịch và sự phát triển của công nghệ cũng tạo nên những thói quen mới cho cả nhà tuyển dụng và người lao động, nhất là người trẻ. Nhóm đối tượng này có xu hướng đổi công việc rất nhiều trong thời gian ngắn và thích làm việc từ xa. Hiện, nhiều công ty áp dụng quy chế làm việc từ xa 100% hoặc 50-50. Như vậy, điều hành, làm việc ngoài trụ sở là một phần của bức tranh tương lai.
Tựu trung, Tiến sĩ nhận định thị trường lao động trong 5-10 năm tới không chắc chắn, tức không thể đoán trước, thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh khốc liệt và có nhiều yếu tố công nghệ. “Tại một nhà hàng lớn ở Australia, việc mang đồ ăn từ bếp ra bàn, dọn đồ ăn từ bàn vào bếp, nấu những món thường này đều do robot làm. Người máy đã thay thế 50% nhân sự của nhà hàng”, ông Trung đưa ra ví dụ.
Tiến sĩ Lý Quí Trung, Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia.
Nói thêm về tính cạnh tranh và xu hướng làm việc mới, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM nhận định trong 5 năm tới, việc vận hành các nhà máy sẽ thay đổi hoàn toàn và đòi hỏi những vị trí công việc mới, đồng thời, yêu cầu những kỹ năng mới. Nếu trước đây, học sinh ra trường cạnh tranh trong cùng địa phương để tìm kiếm vị trí việc làm, nay đã mang tính toàn cầu. Ví dụ, một sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam có thể xin việc tại Mỹ, Australia và ngược lại.
Như vậy, các diễn giả đồng quan điểm con người không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với robot, quá trình tự động hóa, trí tuệ nhân tạo…
Những kỹ năng sinh viên cần có
Trước sự “không chắc chắn” bao trùm lên mọi lĩnh vực, cấp độ của nền kinh tế toàn cầu, mỗi cá nhân và cạnh tranh cao, Phó giáo sư Ngô Viết Liêm, Đại học New South Wales, Sydney, Australia nhấn mạnh nếu không có chuẩn bị năng lực, kỹ năng, con người sẽ dần bị thay thế bởi máy móc.
Kỹ năng đầu tiên các chuyên gia đề cập tới là khả năng thích nghi. Theo ông Liêm, nhà tuyển dụng thường gắn giá trị nhận thức của bằng đại học với khả năng làm việc của ứng viên. Họ cho rằng đây là một chỉ số tin cậy nhưng lại mong đợi kỹ năng làm việc, sẵn sàng nhận nhiệm vụ từ người lao động.
Phó giáo sư Ngô Viết Liêm, Đại học New South Wales, Sydney, Australia (bên phải) khuyên sinh viên nên nâng cao khả năng thích nghi.
Bên cạnh đó, với những áp lực từ nhà tuyển dụng cùng sự thay đổi khó đoán trong tương lai, nếu đi theo một phương pháp, các bạn có thể vô tình bị “nhốt” trong khung, khi thoát ra, cũng không thể phản ứng nhanh. Do đó, xã hội hiện nay cần khả năng thích nghi.
Tuy nhiên, theo ông Liêm, sinh viên Việt Nam giỏi nhưng năng lực sáng tạo khá kém. Điều này một phần đến từ phương pháp dạy giải quyết mọi vấn đề theo mẫu, từ bậc tiểu học đến đại học. Do đó, để phát huy khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sinh viên nên suy nghĩ nếu không dùng phương pháp mẫu, bản thân có thể giải quyết vấn đề cụ thể không.
Từ thực tế, vị giáo sư đến từ Đại học New South Wales dự báo tương lai của lực lượng lao động sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng học hỏi, sáng tạo. Ví dụ như những mô hình kinh doanh mới, khi Uber, Airbnb cùng nhiều công ty D2C (Direct to Consumer) khác ra đời, sự sáng tạo phát huy tiềm năng rất lớn. Trong đó, Airbnb không cần sở hữu bất kỳ khách sạn nào, Uber cũng không cần có xe nhưng họ vẫn phát triển mạnh mẽ. “Nội dung rất quan trọng nhưng sẽ lỗi thời nhanh. Do đó, các bạn phải có khả năng nghiên cứu đi kèm để sáng tạo và nhanh thích nghi”, ông kết luận.
Đồng thời, nếu liên tục cập nhật nội dung kiến thức, sinh viên sẽ kiệt quệ về cảm xúc, sức khỏe. Bởi vậy, khả năng sáng tạo thông qua nghiên cứu sẽ giúp sinh viên có sự tự do. Qua đây, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về sự quan trọng của kỹ năng mềm, trong đó có trí tuệ cảm xúc (EQ).
Trong khi đó Giáo sư Thành khuyên sinh viên cần có khả năng học tập suốt đời, tức bỏ cái cũ và luôn áp dụng quy trình “học, xóa học, học lại”.
Thứ hai, con người chỉ hơn robot khả năng sáng tạo. Người máy chỉ “chịu thua” trước những chuyện không lặp lại, vấn đề đòi hỏi giải pháp xưa nay chưa có. Chúng được lập trình bởi con người, có thể học nhưng đến hiện tại, trí tuệ nhân tạo mới chỉ ứng dụng trải nghiệm và sự hiểu biết của con người.
“Trong 10-20 năm nay, cứ mới 2-3 năm, World Economic Forum lại nêu lên top 10 kỹ năng cần có người lao động, kết quả hầu như, sáng tạo luôn nằm ở ba mục đầu tiên”, giáo sư Trương Nguyện Thành nói thêm.
Giáo sư Trương Nguyện Thành nhấn mạnh về kỹ năng sáng tạo trong thời đại mới.
Kỹ năng mềm quyết định lớn tới sự thành công. Theo Tiến sĩ Trung, với tinh thần doanh nghiệp, con người hơn robot ở sự uyển chuyển, chịu đựng, ngoại giao, tâm lý… Tuy nhiên, kỹ năng mềm ở Việt Nam tốt nhưng chưa thực sự có thể ứng dụng trong kinh doanh.
“Ngày nay nhiều nhà tuyển dụng đòi hỏi kỹ năng mềm, trong khi các trường đại học chưa dành nhiều thời gian dạy cho sinh viên điều đó”, Phó giáo sư Liêm bổ sung.
Đồng quan điểm, giáo sư Thành cho biết thêm, thay vì tập trung nạp nhiều kiến thức – điều đã có đã có Google, trí tuệ nhân tạo “nhớ”, các trường nên tập trung phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Thực tế, nhiều du học sinh Việt Nam thường từ chối làm việc nhóm và muốn thực hiện một mình. “Làm việc nhóm đòi hỏi trí tuệ cảm xúc, nếu không có điều này, bạn sẽ thua xa và khó lên chức do khó quản lý xung đột của nhân viên khi chính bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình”, ông nói
Sự thay đổi trong đào tạo khối ngành kinh tế
Bên cạnh việc trang bị kỹ năng mềm, khả năng nghiên cứu, học hỏi, các chuyên gia cho rằng các trường đại học tại Việt Nam nói chung, khối ngành kinh tế nói riêng, cần đào tạo đa ngành. Thay vì chỉ đào sâu triết lý của một lĩnh vực, các trường nên cho học sinh không gian cá nhân hóa chương trình đào tạo của mình.
Ví dụ, khi AI dần thay đổi môi trường làm việc của kế toán, nếu không thể học thêm lĩnh vực khác như phân tích dữ liệu lớn, khoa học dữ liệu, công nghệ thông tin…, sinh viên có thể bị tụt hậu. Như vậy, vô tình, các trường đại học tại Việt Nam đã gò bó, không tạo cơ hội cho các bạn trẻ.
Tiến sĩ Lý Quí Trung bổ sung thêm yếu tố đa môi trường và đa giáo viên, diễn giả… để sinh viên dễ thích nghi, tiếp nhận nhiều chia sẻ thực tiễn và góc nhìn hơn. Mỗi giảng viên, doanh nhân sẽ nhìn nhận vấn đề một cách khác nhau, giúp sinh viên có cái nhìn thoáng, dễ thích ứng với tình huống thực tế sau khi ra trường hơn. Như vậy, các trường đại học cũng có thể giải quyết vấn đề thiếu thực tế và phá bỏ khuôn mẫu.
Theo Phó giáo sư Ngô Viết Liêm, đây cũng là một mặt tích cực của sự “không chắc chắn”. Mỗi bài giảng sẽ được cập nhật liên tục, cởi mở, từ đó, vai trò của của giảng viên cũng có tác động lớn hơn tới sinh viên. “Người thầy thành công là khi một bài giảng kết nối được nhiều sinh viên tham gia, chia sẻ quan điểm”, ông khẳng định.
Theo VNExpress