‘Nhiều ngành cần nhân sự có nền tảng về kế toán’
Theo chuyên gia, ngành kế toán – tài chính ngày càng yêu cầu cao song vẫn có nhiều cơ hội cho những ai cầu tiến.
Tập 9 “UniPrep – Sắp vào đại học”, hai chuyên gia là ông Nguyễn Phan Anh Quốc – Giám đốc Kiểm toán, EY Việt Nam và ông Trần Hồng Vân – Giám đốc Tài chính, Tập đoàn Giáo dục Quốc tế cho độc giả thấy nhiều góc nhìn về ngành kế toán – tài chính hiện tại và tương lai.
Độc giả xem chương trình tại đây. |
Cơ hội và thách thức
Trước khi trở thành một trong những nhà quản lý tại EY Việt Nam, ông Nguyễn Phan Anh Quốc cũng từng thực tập sinh tại đơn vị. Sau một thời gian giữ vị trí trưởng phòng kế toán – tài chính một startup lớn, ông chuyển hướng mở doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tương tự, ông Trần Hồng Vân cũng xuất thân từ công ty kiểm toán KPMG và dần phát triển kiến thức, kỹ năng tại nhiều công ty khác nhau.
Từ quá trình phấn đấu cá nhân hai diễn giả khẳng định cơ hội việc làm ngành kế toán rất rộng mở bởi đây là vị trí không thể thiếu trong bất kỳ công ty nào. Sinh viên tốt nghiệp có thể làm chuyên viên kế toán cho doanh nghiệp, mở công ty cung cấp dịch vụ riêng, các công việc liên quan tới tài chính hay làm kiểm toán cho Big 4 – bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.
“Hiện, Big 4 có rất nhiều dịch vụ yêu cầu nhân sự phải có nền tảng kiến thức kế toán như Accounting Services, Financial Due Diligence (Dịch vụ thẩm định chi tiết), Forensic Accounting (Kế toán điều tra)…”, ông Vân chia sẻ thông tin.
Trong khi đó Giám đốc Kiểm toán của EY Việt Nam lưu ý, người làm kế toán phải chịu áp lực pháp lý cao hơn hẳn so với các bộ phận khác. Việc tuân thủ những quy định, khung hình pháp lý của nơi làm việc cũng là một trong những kỹ năng hàng đầu của kế toán, kiểm toán hay tài chính.
“Công việc kế toán cũng như nghệ thuật, lãi hay lỗ của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào công việc hạch toán kế toán nên chúng ta sẽ phải có giá trị về đạo đức”, ông Anh Quốc nhấn mạnh.
Kế toán cũng sẽ chịu áp lực từ ban lãnh đạo của doanh nghiệp, cổ đông dẫn đến những tình huống phải hạch toán kế toán theo nhu cầu của những bên liên quan. Vì vậy, người làm nghề cần có tính độc lập. Theo ông, giá trị đạo đức và tính độc lập giúp phản ánh đúng tình trạng của doanh nghiệp hơn là làm theo kỳ vọng của một người nào đó có lợi ích trong doanh nghiệp.
Yêu cầu đối với nhân sự trong bối cảnh 4.0
Khi đề cập đến vấn đề nhân sự, ông Quốc cho rằng công nghệ có thể giúp nhân sự kế toán thoát khỏi việc hạch toán nhờ sự tự động hóa nhưng các yêu cầu cũng ngày càng cao.
Thứ nhất, ngành chịu sự giám sát chặt chẽ hơn của các quy định pháp lý, đặc biệt là khi tốc độ xử lý của cơ quan nhà nước cũng gia tăng do sự hỗ trợ của công nghệ và nhiều yếu tố khác.
Thứ hai, kỳ vọng của người làm quản trị, cổ đông cũng vượt xa trước kia. Thay vì thiên về tuân thủ, kiểm soát, báo cáo như trước đây, người làm kế toán – tài chính nay cần đóng góp vào công tác hoạch định doanh nghiệp, cung cấp thông tin cho quản lý để hỗ trợ đưa ra quyết định về kinh doanh.
Ở góc độ kinh nghiệm cá nhân, Hồng Vân phân tích thêm, doanh nghiệp không thể ứng dụng một công nghệ quá tốt nhưng người dùng lại không biết cách vận hành phần mềm. Ngược lại, việc sở hữu một đội ngũ có kỹ năng tốt để làm việc nhưng không có trang bị cũng là lãng phí với nguồn lực đang có.
Như vậy, sự phát triển của công nghệ còn đòi hỏi người trẻ cần cập nhật xu hướng và học hỏi không ngừng, tích lũy các chứng chỉ nghề nghiệp để tăng khả năng thích ứng, tránh bị đào thải.
“Các bạn phải có tư duy khá thoáng, dám chấp nhận ở ngoài kia có những thứ mới mình chưa biết”, ông Vân nói thêm.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyên người trẻ nên trau dồi chuyên môn vững vàng, những vấn đề pháp lý và luôn cẩn thận, tỉ mỉ. Khi mình làm việc sẽ không tránh khỏi sai sót. Tuy nhiên, người làm nghề phải luôn luôn đưa chuẩn mực lên hàng đầu và làm theo để được bảo vệ.
Theo VNExpress