CEO Guardian Việt Nam: Muốn nhà càng cao, móng phải càng vững
Trong chương trình MBA For Success vừa được Viện ISB – Trực thuộc Đại học Kinh tế Hồ Chí Minh tổ chức, bà Lê Huỳnh Phương Thục – CEO Guardian Việt Nam – đã có nhiều chia sẻ quý báu trong giai đoạn xây dựng nền tảng cho sự nghiệp của mình. Theo bà Thục, những quyết định và nỗ lực trong 5 năm đầu tiên sẽ định hình thành công hay thất bại của mỗi người sau này.
Dưới đây là một số chủ đề đáng suy ngẫm cho các bạn trong những năm đầu đi làm:
Làm cho công ty hay tự thân start-up?
– CEO Phương Thục: Có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo tôi, quyết định tùy vào sở thích, khát vọng của mỗi người. Sẽ không có mô tuýp cho tất cả. Quan trọng là các bạn mới ra trường hoặc bắt đầu đi làm, cần hiểu rõ hướng đã chọn, đo lường những cái được và mất nếu dấn thân vào con đường ấy.
Start-up có được sự tự do, ít nhất so với trong các tập đoàn vốn bị gò bó bởi nhiều quy trình. Khởi nghiệp thành công sẽ có nhiều tiền hơn những năm đầu “làm công ăn lương”. Kinh nghiệm “chiến trường” có được khi start-up cũng rất phong phú. Các danh xưng như Founder, CEO trong start-up nghe cũng “oai” hơn chức vụ nhân viên ở các doanh nghiệp khá nhiều.
Trước những hào nhoáng này, các bạn trẻ cần cân nhắc thật kỹ, để xem khởi nghiệp có phải do bản thân thấy phù hợp và chín muồi, hay đơn giản chỉ là theo “trào lưu”. Tôi từng muốn start-up, nhưng sau khi cân nhắc thấy bản thân phù hợp với việc đầu quân cho một tập đoàn hơn.
Nên thử sức ở các công ty đa quốc gia?
– CEO Phương Thục: Kinh nghiệm thu được ở các tập đoàn đa quốc gia sẽ là bệ đỡ cho các bạn trẻ. Đa phần những doanh nghiệp này đã phát triển hơn 100 năm, đúc kết được những cách làm hiệu quả, những mô hình chuẩn hóa từ nhỏ đến lớn, hay khả năng xoay chuyển linh hoạt tùy từng thời điểm,… Khi là một phần trong công ty, bạn sẽ rèn luyện được cách suy nghĩ khoa học và nhiều kỹ năng hữu ích khác.
Ngoài ra, làm cho tập đoàn đa quốc gia, bạn có thể có được nhiều mối quan hệ từ rất nhiều phòng ban với các nhân sự tài năng. Đồng nghiệp sẽ giúp bạn bổ sung nhiều kiến thức và định hướng cho bạn trong bước đầu sự nghiệp.
Làm gì để trở thành “bậc thầy” trong ngành Marketing?
– CEO Phương Thục: Dù 5-10 năm trước, hay nhiều năm sau, phẩm chất của người làm marketing tựu trung ở một bộ óc quan sát tốt. Làm marketing buộc phải hiểu khách hàng, vì vậy nhìn ra được hướng tiếp cận phù hợp cho các sản phẩm, dịch vụ hiện tại và tương lai là rất cần thiết. Đôi khi, khách hàng cũng không biết họ đang và sẽ cần gì, nên marketer cần “động não” và nhạy bén.
Thứ hai là sức sáng tạo. Bạn không thể cứ làm đi, làm lại một chiến dịch giống nhau. Sáng tạo cần đi liền với sự thấu hiểu về khách hàng, mới cho ra kết quả tốt nhất. Cuối cùng là công nghệ – “vũ khí” hữu hiệu để việc marketing trở nên ngày càng chính xác, hơn hẳn trước đây đôi lúc phải dựa vào suy đoán.
Các kỹ năng trên cần được bồi đắp mỗi ngày, không có chuyện nay học, mai bỏ. Trong thời kỳ số hóa trở thành 1 phần của marketing, chỉ cần “bỏ” việc 6 tháng, khi quay lại đã lạc hậu.
Từ Marketer, lên General Manager (GM) được không?
– CEO Phương Thục: Tôi nghĩ phần lợi nhiều hơn. Trước hết, thương hiệu và sản phẩm luôn là cái cốt lõi trong kinh doanh, đặc biệt với ngành bán lẻ. Khi xuất thân từ phòng Marketing, bạn sẽ biết cách làm sao cái cốt lõi này ở mỗi doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh.
Ngoài ra, “dân” marketing có khả năng suy nghĩ dài hạn, có thể hình dung 3-5 năm sau tình hình sẽ thay đổi như thế nào. Với tầm nhìn này, thông thường các Marketer sẽ có tỉ lệ thành công cao hơn trong vai trò GM.
Cũng có một số hạn chế, chẳng hạn, bạn cần hài hòa giữa các kế hoạch dài hạn và ngắn hạn. COVID-19 đặt ra bài toán khó khăn về dòng tiền, nếu bạn chỉ chú trọng những thứ dài hạn thì sẽ không “sống” qua mùa dịch. Kế đó, cần bồi đắp kỹ năng về phát triển con người. Khi sang vị trí quản lý phải tiếp quản vài trăm đến vài ngàn người, kỹ năng này phải được cải thiện đến mức tối ưu.
Có nên học MBA?
– CEO Phương Thục: Với những bạn trẻ chưa đi làm, MBA là một chương trình học thuật giúp mình xây dựng yếu tố nền tảng, để có thể nhìn cái nhìn tổng quát, toàn diện về kinh tế. Với những người đã có kinh nghiệm làm việc, như Thục đi học MBA ở ĐH Hawaii (Mỹ) khi đã làm hơn 13 năm, cũng rất hữu ích vì giúp mình hệ thống hóa lại những kiến thức, kinh nghiệm trước đây, và nâng tầm hiểu biết của bản thân.
MBA là nơi gặp gỡ của nhiều học viên xuất thân từ nhiều chuyên ngành khác nhau, phần lớn đều có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Vì vậy, các bạn sẽ dễ dàng học hỏi lẫn nhau. Sau khi tốt nghiệp, cộng đồng alumni cũng sẽ là các “chuyên gia” sẵn sàng hỗ trợ bạn mọi lúc khi cần thiết.
Nguồn: Brands Vietnam