Cách thích ứng với nhu cầu đa dạng ngành nghề
Theo ông Lê Đình Hiếu – CEO Học viện G.A.P, người trẻ nên học song ngành hoặc tham gia khóa học nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong thời đại 4.0.
Học song ngành
Ông Hiếu cho biết, hơn 65% sinh viên các trường đại học của Mỹ học song ngành hoặc một ngành chính, một ngành phụ. CEO Học viện G.A.P cũng từng chia 50-50 thời lượng học hai ngành kinh tế và toán tại Đại học California, Los Angeles – Mỹ (UCLA).
“Xu hướng liên môn, đa ngành này ngày càng phổ biến, phù hợp với bối cảnh hiện tại. Mọi vấn đề trong cuộc sống rất phức tạp và kiến thức đơn ngành không thể giải quyết được. Chúng ta cần tới phối hợp nhiều nhánh chuyên môn khác nhau”, ông chia sẻ tại tập 8 chuỗi UniPrep.
Trước đây, diễn giả từng làm giám đốc tuyển sinh của một trường đại học quốc tế tại Việt Nam. Khi bắt đầu đi tuyển sinh điều dưỡng – y tá, ông nhận thấy chương trình học có yêu cầu sinh viên phải học lập trình và đọc, phân tích dữ liệu, gần như không khác chương trình năm nhất của khoa khoa học máy tính.
Khi trao đổi, giám đốc chương trình giải thích với ông, trong thời gian sắp tới, một y tá giỏi còn phải đọc được bệnh án. Tuy nhiên, bệnh án hiện nay không chỉ là tờ giấy mà càng ngày càng có nhiều dữ liệu để tư vấn, chẩn đoán tốt hơn cho người bệnh. Thậm chí, nếu cần, họ còn phải nhanh chóng lập nên một đồ thị để mô hình hóa dữ liệu đang có, từ đó, phỏng đoán chính xác bệnh của bệnh nhân.
“Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hầu hết mọi ngành chúng ta đang làm, tính đơn ngành rất thấp, nó đòi hỏi một sự hiểu biết, nhìn nhận nhiều vấn đề một lúc để giải quyết”, ông nói thêm.
Mặt khác, bảng xếp hạng kiểm định chất lượng của các trường đại học lớn trên thế giới luôn có hai số liệu là số sinh viên tốt nghiệp trong 4 năm và 6 năm bởi lượng người học đa ngành rất lớn và họ không thể tốt nghiệp trong vòng 4 năm.
Do đó, ông Lê Đình Hiếu khuyên các bạn trẻ nếu có năng lực tốt, hoàn toàn có thể cân nhắc tới việc học song bằng, đặc biệt là trong bối cảnh đòi hỏi sự đa nhiệm hiện nay.
Tham gia các khóa học bổ sung
Thực tế ông cũng đánh giá việc học song ngành ở Việt Nam có nhiều khó khăn hơn so với một số quốc gia khác do chưa có nhiều hệ thống đại học lớn gồm nhiều trường thành viên như Đại học Quốc gia Hà Nội hay Đại học Quốc gia TP HCM. Trong khi đó, mỗi trường đại học lại tập trung đào tạo một nhóm chuyên ngành.
Diễn giả khác của tọa đàm, bà Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành & Truyền cảm hứng Hạnh phúc, Công ty Anphabe cũng cho biết thêm, việc học song ngành tại Việt Nam rất vất vả. Đôi khi, việc học giỏi một ngành duy nhất sẽ có lợi hơn việc học song song nhưng chỉ đạt kết quả trung bình.
Theo đó, nếu năng lực, điều kiện học tập không cho phép, người trẻ có thể tham gia các khóa học nhỏ, cấp chứng chỉ (micro-credentials), thậm chí, không cần bằng cấp, hình thức này cũng mang đến cho người học thêm kiến thức, trải nghiệm.
CEO Học viện G.A.P chia sẻ, ông từng làm cố vấn cho một bạn trẻ học chuyên ngành quản trị kinh doanh và coi đó là một chuyên ngành chung chung. Sau khi đã học đến năm ba, đi thực tập lần đầu tiên, sinh viên này mới nhận ra bản thân đam mê digital marketing. Lúc đó, ông tư vấn bạn tham gia các chương trình học online.
Như vậy, nếu giữa chừng phát hiện ra đam mê khác, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tiếp tục ngành học, đồng thời, học thêm bằng, chứng chỉ nhỏ khác để bổ sung kiến thức. Ví dụ, nếu muốn đi sâu vào tài chính, sinh viên có thể học bằng Chartered Financial Analyst (CFA) và bắt đầu phân tích như người học chuyên ngành. Bên cạnh đó, người trẻ có thể đăng ký làm thực tập tại một công ty, lĩnh vực trái ngành.
“Đây là cơ hội để các bạn khám phá, trải nghiệm. Với bối cảnh hiện tại, sinh viên rất thuận lợi trong việc ứng biến linh hoạt”, ông Hiếu khẳng định.
Đề xuất thay đổi cho các trường đại học
Song song với sự thích ứng linh hoạt của người học, hai diễn giả nhận định, các cơ sở đào tạo đại học cũng cần có sự thay đổi để tạo “bước đệm” vững chắc cho sinh viên.
Ví dụ về hai ngành kinh tế luôn hút sinh viên, gồm: Quản trị kinh doanh và Kinh doanh quốc tế, bà Thanh cho biết, thay vì đào tạo rộng từ quản trị nhân sự đến sản xuất, marketing, nhà trường có thể cho người học biết toàn bộ quy trình vận hành doanh nghiệp trong 1-2 năm đầu. Mỗi tính chất công việc đều đòi hỏi tư duy, năng lực hay tính cách khác nhau. Vì vậy, trong hai năm học cuối, sinh viên nên dần thu hẹp lại theo mảng phù hợp với bản thân.
Không ít sinh viên học Quản trị kinh doanh với quan niệm có thể làm CEO ngay khi tốt nghiệp. Thực tế, mỗi người lao động đều cần đi lên từ vị trí thấp và trở thành lãnh đạo khi đã tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng.
“Do đó, trong phần hướng nghiệp, chúng ta cần có tư duy của một người đi làm để sinh viên có kỳ vọng đúng hơn về công việc, từ đó, có khả năng học hỏi, thăng tiến và đóng đóng góp tốt hơn”, CEO Anphabe nói thêm.
Ông Lê Đình Hiếu bổ sung, hiện, hầu hết các trường đại học lớn tại Mỹ, Anh, Nhật… đều có ngành quản trị kinh doanh cho bậc cử nhân. Như vậy, nhu cầu lao động ngành vẫn rất lớn. Tuy nhiên, để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng đúng yêu cầu thị trường, các trường đại học Việt Nam nên cho sinh viên va chạm thực tế từ năm hai bằng cách gửi đến doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức… “Lý thuyết quản trị doanh nghiệp rất mơ hồ, rộng lớn. Với độ tuổi 20, nếu chỉ ngồi đọc trên sách vở, sinh viên sẽ không bao giờ lĩnh hội được”, ông nhấn mạnh.
PGS. TS. Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, hiện các trường đại học tại Việt Nam dần thay đổi, năng động hơn trong việc cho sinh viên học liên ngành, thực tập… Tại Đại học Kinh tế TP HCM, sinh viên có thể tự thiết kế chương trình học hai bằng trong 4 năm và có sự phối hợp giữa các ngành để bổ trợ năng lực ở mức độ tốt nhất, tăng khả năng tiếp cận thị trường.
Theo VNExpress