VNE | Ba hướng phát triển sự nghiệp marketing cho các marketer trẻ
Marketing in-house (client), agency và lĩnh vực ngách, là ba định hướng mà sinh viên marketing vừa tốt nghiệp có thể tiếp cận, gợi ý từ các chuyên gia trong tọa đàm UniPrep.
Trong số thứ 6 của chuỗi tọa đàm “UniPrep – Trước đại học”, bà Lê Huỳnh Phương Thục – Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam; bà Lưu Thanh Huyền – Giám đốc nhân sự phát triển năng lực và tổ chức L’Oréal Việt Nam và ông Tăng Gia Hải Lam – Phó tổng giám đốc YouNet Group đã chỉ ra ba hướng phát triển sự nghiệp tiêu biểu cho sinh viên mới ra trường.
Marketing in-house
Bà Lê Huỳnh Phương Thục từng bước đi lên từ thực tập sinh đến làm lãnh đạo của một nhãn hàng lớn theo hướng in-house (client), tức làm marketing cho doanh nghiệp.
Năm 1993, thời điểm chưa có nhiều trường đào tạo marketing như hiện nay, bà theo học ngành này tại Đại học Kinh tế TP HCM. Bởi lẽ, nữ diễn giả yêu thích thương hiệu và tò mò không hiểu tại sao người dùng lại bỏ ra số tiền lớn hơn để mua một sản phẩm có thương hiệu thay vì một lựa chọn cùng chất lượng khác nhưng không có thương hiệu.
Bà ra trường đúng thời điểm nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Bà nộp đơn vào nhiều chương trình đào tạo quản lý (management trainee) của các tập đoàn. Đã có 4-5 nơi chọn phỏng vấn và bà thành công khi vào chương trình của Unilever vào năm 1998.
“Đó là bước khởi đầu. Trước ba sự lựa chọn, tôi quyết định chọn marketing. Từ một vị trí thấp nhất, tôi làm tất cả công việc trong bộ phận”, bà nói thêm.
Thương hiệu đầu tiên bà Phương Thục đồng hành là Omo. Nữ diễn giả công tác tại tập đoàn này 10 năm, trong đó 5 năm làm marketing và 5 năm với công việc trade marketing ở phòng kinh doanh, hiện là Customer Development.
Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ Guardian Việt Nam khẳng định, con đường của một marketer không phải luôn đi theo đường thẳng, từ chuyên viên marketing đến quản lý thương hiệu. Sau khi để lại một số ấn tượng, thành quả nhất định, bà được cất nhắc lên vị trí giám đốc kinh doanh.
“Lúc đó, tôi còn khá trẻ, làm việc 8 năm với Unilever và là một trong những quản lý trẻ nhất thời điểm đó”, bà kể lại.
Lúc này, bà Phương Thục cũng bắt đầu suy nghĩ về con đường tiếp theo. Theo bà, cứ 10 năm, người làm nghề marketing nên có một sự thay đổi và chuyển hóa, đóng góp nhiều hơn. Vì thế, bà nghĩ đến con đường trở thành General Management (quản lý chung) và đầu tư thời gian học về MBA. Nhờ đó, bà bén duyên với L’oreal với đúng vị trí mục tiêu. Sau 6 năm tại đây, bà chuyển sang Guardian và trở thành Tổng giám đốc Chuỗi bán lẻ như hiện nay.
Agency
Cũng xuất phát từ vị trí thực tập sinh như bà Thục, ông Tăng Gia Hải Lam làm việc cho công ty quảng cáo của Mỹ – JWT. Tuy nhiên, trước đó, do không quá tập trung vào việc học, ông từng gặp phải tình trạng không biết mình muốn gì, đi đâu hay tạo lập sự nghiệp thế nào.
Công việc tại JWT có được do một người bạn giới thiệu. Ông bắt đầu từ những việc đơn giản để hiểu hơn về công tác quảng cáo, marketing. Sau một thời gian làm nhân viên kinh doanh, ông bắt đầu làm quản lý account tại công ty quảng cáo Leo Burnett. Tại đây, nam diễn giả được trải nghiệm công tác thương hiệu, chiến lược truyền thông cho các thương hiệu lớn để hiểu thế nào là làm quảng cáo chuyên nghiệp, các nhãn hàng lớn dùng tiền như thế nào, quan tâm khách hàng ra sao…
Khi mạng xã hội, công nghệ số ở Việt Nam phát triển mạnh, các nhãn hàng bắt đầu để ý tới tương tác với người dùng, phát triển mảng digital marketing. Khi đó, ông Hải Lam chuyển sang làm việc cho Climax Interactive Agency – đơn vị làm quảng cáo số.
“Tôi thấy nó hay quá, một nguồn năng lượng mới, làm mới cách mình vẫn hình dung về làm thương hiệu. Có một bầu trời kiến thức, chỉ số hoàn toàn mới”, ông chia sẻ.
Vì vậy, ông chuyển hướng làm digital marketing. Sau 5 năm, Climax Interactive Agency đã phát triển từ 40 lên 130 người, từ doanh nghiệp ban đầu thành 5 công ty con. Phó tổng giám đốc YouNet Group có trải nghiệm từ truyền thống sang digital, từ quản lý nhóm nhỏ sang một đội lớn hơn 10 người, biết cách vận hành công ty, hiểu hơn về trải nghiệm người dùng…
Cũng từ đây, ông nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu. Khi có dữ liệu người dùng, doanh nghiệp, marketer có thể tạo ra rất nhiều những ứng dụng khác nhau, giúp tăng giá trị của thương hiệu và người dùng đối với nhãn hàng.
Từ đó, nam diễn giả bước qua mảng mới tại Buzzmetrics, công ty thành viên của Younet Group năm 2016. Đến đầu năm 2020, ông thăng tiến lên vị trí Phó tổng giám đốc của Younet Group và quản lý thêm nhiều mảng kinh doanh khác của cụm công ty gồm: công nghệ, xử lý – phân tích dữ liệu, tư vấn nhãn hàng và truyền thông sáng tạo.
“Lúc này, tôi không chỉ làm truyền thông – marketing đơn thuần nữa. Tôi phải quản lý vận hành công ty, quản lý con người, tài chính, đường hướng phát triển của nhân viên… Như vậy, chuyên môn của tôi đã rộng hơn”, ông khẳng định.
Như vậy, một marketer hoàn toàn có thể tích lũy nhiều kỹ năng trong quá trình làm nghề và thành công ở vị trí quản lý cấp cao.
Lĩnh vực ngách
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, bà Lưu Thanh Huyền cho biết, nhiều bạn trẻ hiện nay không xuất phát từ chuyên ngành marketing nhưng vẫn yêu thích và theo đuổi nghề này. Tuy nhiên, để giỏi nghề,marketer trẻ vẫn cần có kiến thức nền tảng.
PGS. TS. Trần Hà Minh Quân bổ sung, các bạn trẻ hiện nay có thể đi theo “điểm chạm” khác như nghiên cứu thị trường, nhân viên kinh doanh hay nhiều vị trí, mảng khác phục vụ cho marketing. “Sau một thời gian làm để có hiểu biết sâu về khách hàng và nghề, các bạn có thể làm marketing rất tốt”, ông khẳng định.
Chia sẻ câu chuyện thực tiễn, ông Lam cho biết, trong quá trình làm việc, ông có hai nhân viên rất thành công dù là “tay ngang”. Một người là giáo viên sinh học, sau đó làm agency, rồi đến client và giờ đã làm giám đốc marketing của một tập đoàn lớn trong ngành bán lẻ. Người còn lại là kế toán và hiện cũng làm giám đốc marketing cho một công ty cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp B2B (Business to Business).
“Điểm cốt lõi là nếu mình là tay ngang, mình vẫn có thể làm nhưng sẽ vất vả hơn rất nhiều”, ông khẳng định.
Theo VNExpress