WSU Stars #5: Thái Bảo Trân – Lùi một bước nhỏ để tiến hai bước lớn vào tập đoàn đa quốc gia
Thái Bảo Trân, Sinh viên năm hai, Chuyên ngành Marketing, vốn có niềm đam mê với những cuộc thi về Kinh doanh và Marketing. Với sự thành công tại cuộc thi “Taste The Future”, Trân đã tích lũy được những kỹ năng và kinh nghiệm quý giá.
Trong WSU Stars, số thứ 5, Trân đã có những chia sẻ về hành trình từ những cuộc thi đến vị trí Sale Operation Intern tại Mondelēz – một tập đoàn đa quốc gia mà cô bạn đã luôn ngưỡng mộ từ trước.
Vì đâu mà Trân bắt đầu có hứng thú với những cuộc thi về Kinh doanh và Marketing?
Bắt đầu từ lớp Principles of Marketing (PMk), mình đã lập một nhóm ôn thi cùng các bạn học. Chúng mình khá “hợp cạ” với nhau nên đã quyết định tham gia cuộc thi Taste The Future Business South East Asia Challenge. Đây là cuộc thi do Tập đoàn Mondelēz International tổ chức tại khu vực Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm và tôn vinh những ý tưởng sáng tạo, tiềm năng trong lĩnh vực kinh doanh và marketing.
Trong nhóm mình, các bạn đều có tư duy sáng tạo và kiến thức phù hợp với tiêu chí của cuộc thi. Kết quả là nhóm mình đã lọt vào Top 4 Quốc gia.
Sau cuộc thi, mình được hưởng quyền lợi “fast track” nếu vào vòng final interview của Chương trình Taste The Future Intern và MT. Khoảng hai tháng sau, Mondelez tiếp tục mở Chương trình “Taste The Future Internship Program 2023”, và mình đã nộp đơn ứng tuyển vào hai bộ phận Marketing và Sale Operation.
Trân có thể chia sẻ thêm về các cuộc thi khác mà bạn đã từng tham gia?
Ngoài Taste The Future Business South East Asia Challenge, mình đã tham gia hơn 10 cuộc thi khác về kinh doanh và marketing. Chẳng hạn như:
– Các cuộc thi trong trường: Venture Markers Program 2022; Student Business Pitch 2023 (Top 5); Marketing On Air, do NEU tổ chức (Top 4) và Digital Creatory, do UEL tổ chức (Top 10)
– Các cuộc thi từ doanh nghiệp: UFLL – Unilever, L’oreal Brandstorm, Nielsen IQ.
– Cuộc thi sáng tạo: Young Lions.
Trong đó, cuộc thi Marketing On Air là cuộc thi mang lại cho mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ nhất. Đây là cuộc thi danh tiếng và lâu đời. Năm 2022, có gần 800 đội tham gia và may mắn thay, đội của mình đã lọt vào Top 4. Chúng mình đã được bay ra Hà Nội để tham dự buổi chung kết vào cuối năm đó.
Có thể nói, đây là cuộc thi mà mình vận dụng được tất cả những kỹ năng mà mình có được trong lĩnh vực Marketing. Bởi vì ban tổ chức không chỉ yêu cầu kế hoạch trên giấy, mà còn phải thực thi một kế hoạch minisize để kiểm tra tính khả dụng trong vòng 12 ngày.
Trân đã đến với Mondelēz như thế nào?
Sau khi đạt giải thưởng tại cuộc thi Taste The Future Business South East Asia Challenge, nhận thấy rằng mình chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm trong việc xử lý số liệu. Vì vậy, mình đã quyết định dừng lại ở đợt ứng tuyển đầu tiên. Mình hiểu rằng, một khi đã trở thành một phần của Mondelēz, mình cần phải đủ sức cạnh tranh và đóng góp tích cực cho công ty.
Sau đó, mình đã dành một năm để tự học và tham gia nhiều cuộc thi để chuẩn bị thật tốt cho công việc đó.
Trong một năm qua, Trân đã chuẩn bị như thế nào?
Ngoài việc nâng cao các kiến thức và kỹ năng cần thiết, mình đã tìm cách bắt kịp với nhiều anh chị trong ngành và học hỏi từ họ. Mỗi ngày, mình càng cảm thấy phù hợp với công việc mà mình đã chọn. Vào tháng 4 năm nay, khi mình đã sẵn sàng ở mọi mặt, đồng thời Mondelēz cũng tổ chức cuộc thi một lần nữa và mình đã tham gia.
Các kiến thức và kỹ năng mà Trân đã tích lũy thêm để làm hành trang trước khi ứng tuyển vào Mondelēz lần thứ hai?
Ngoài việc tham gia các cuộc thi để tích luỹ kinh nghiệm và “case study” để cải thiện CV, mình cũng tham gia vào các khoá học trực tuyến để nâng cao kỹ năng phân tích dữ liệu và làm việc với các phần mềm như Python, Power BI, SQL,…
Bên cạnh đó, mình còn tham gia các khóa học về Marketing trong khoảng 3 đến 6 tháng. Mình đã tận dụng thời gian để nghiên cứu và nâng cao khả năng business sense.
Mục tiêu của mình là kết hợp cả hai lĩnh vực kinh doanh và phân tích dữ liệu, chứ không chỉ tập trung vào một mảng riêng biệt.
Còn các kiến thức từ những môn học tại trường đã giúp ích bạn như thế nào?
Hầu hết, mình có thể áp dụng kiến thức của nhiều môn học trong kỳ thi tại trường và cuộc thi khác nhau. Mình nhận ra rằng thế mạnh của mình nằm ở khả năng “business sense” và “business challenge”. Vì vậy, mình có thể tận dụng triệt để các môn học như BC, PMk, CI,…
Cụ thể, mình đã áp dụng kiến thức từ môn CI vào cuộc thi Nielsen IQ và PMk vào cuộc thi của Mondelēz.
Trân đã và đang đảm nhận những dự án như thế nào tại Mondelēz?
Hiện tại, dự án mà mình đang đảm nhận được chia thành ba phần nhỏ.
Phần đầu tiên là “Suggested Order”. Trong phần này, mình phải đảm bảo hiệu quả và thành công của dự án bằng cách đảm bảo dự án sẽ diễn ra một cách trơn tru mà không gặp lỗi về hệ thống và logic.
Phần thứ hai là “E2E (End to End)”. Hiện tại, mình đang làm việc trên ba ngành hàng riêng biệt, bao gồm hàng khô, bánh mì tươi và hàng theo mùa. Mỗi ngành hàng đòi hỏi sự hoàn thiện từ đầu đến cuối trong quy trình để đảm bảo tích hợp tốt với hệ thống. Đồng thời, mình cũng phải phối hợp với các bộ phận như Customer Service, Logistics và R&D để tìm ra những giải pháp hiệu quả.
Phần thứ ba là duy trì việc liên lạc với FPT để theo dõi và khắc phục lỗi hệ thống.
Sau một thời gian làm việc, mình tin rằng mình có thể đóng góp những giải pháp có lợi cho công ty.
Vì sao Trân lựa chọn làm việc với dữ liệu thay vì tập trung vào sáng tạo?
Mình đã lựa chọn làm việc với dữ liệu thay vì tập trung vào sáng tạo vì một số lý do. Trước hết, trong lĩnh vực sáng tạo, mình có thể chọn theo đuổi Brand Marketing hoặc Trade Marketing, cụ thể là Commercial Marketing. Tuy nhiên, sau khi xem xét thì mình cảm thấy mình thích hợp với công việc liên quan đến hệ thống hoá và xử lý số liệu. Do đó, mình quyết định ứng tuyển vào phòng ban Sale Operation.
Mặc dù, công việc hiện tại khá máy móc và đòi hỏi sự tập trung cao để tìm ra cách tự động hoá và trực quan hoá số liệu để mang lại hiệu quả kinh doanh. Mình cũng đã áp dụng nhiều nguyên tắc của “design thinking” vào quá trình này.
Sau khi tham gia nhiều cuộc thi về Marketing, mình nghĩ rằng sự sáng tạo cũng cần phù hợp với thực tế. Phương châm của mình là “thinking inside the creative box”, chứ không phải “thinking outside the box”. Tuy vậy, nếu có cơ hội chuyển sang công việc sáng tạo, mình cũng sẽ theo đuổi, bởi vì mình yêu thích sự sáng tạo đến từ việc hiểu con người.
Những trải nghiệm mới mẻ khi Trân tiếp nhận công việc tại một tập đoàn đa quốc gia lớn như Mondelēz?
Nhờ vào sự chuẩn bị và rèn luyện kỹ lưỡng cho đợt ứng tuyển lần hai, cùng với sự hướng dẫn từ cấp trên, mình cảm thấy công việc này không quá xa lạ. Đối với mình, điều mới mẻ chính là môi trường làm việc trong một tập đoàn đa quốc gia.
Mình vốn có phong cách làm việc “chậm mà chắc”, nếu không tự tin với ý tưởng, mình sẽ làm lại cho đến khi đạt kết quả như mong muốn. Đôi khi mình có thể dành cả một tuần để giải quyết một case study.
Ngược lại, nhịp độ công việc trong môi trường MNCs diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, khi làm việc trong ngành FMCG, kế hoạch có thể thay đổi nhanh chóng khi sự cố xảy ra. Vì vậy, trong giai đoạn đầu làm việc tại đây, mình cảm thấy khá bỡ ngỡ trong việc thích nghi với môi trường làm việc.
Một trải nghiệm khác không thể không nhắc đến là khi những ý tưởng của mình được đưa ra một cách hợp lý thì đều được xem trọng dù cho mình đang ở bất kỳ vị trí nào trong công ty.
Trân đã thay đổi như thế nào sau khoảng thời gian làm việc?
Mặc dù không phải là một “tờ giấy trắng” hoàn toàn, nhưng kinh nghiệm của mình cũng chưa thể gọi là quá nhiều. Việc được chọn vào cùng một vị trí với 16 ứng viên khác, mang đến cho mình cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc nhiều người. Điều này đã giúp mình cải thiện kỹ năng giao tiếp, mặc dù mình đã cho rằng mình khá thành thạo. Khi bước vào môi trường công việc thực tế, mình nhận ra rằng còn rất nhiều cách để giao tiếp tốt hơn.
Về công việc, dù đã quen với các công cụ nhưng khi áp dụng vào thực tế, mình cảm thấy có phần áp lực hơn. Đặc biệt, với công việc xử lý số liệu thì đòi hỏi độ chính xác cao. Mình nhận ra rằng điểm khác biệt việc học và đi làm chính là việc giải quyết sai sót không chỉ đơn giản là sửa lỗi, mà còn phải chịu trách nhiệm về kết quả.
“Work-life balance” có phải là điều khó thực hiện đối với Trân ở thời điểm hiện tại?
Mình đã từng tham gia vào nhiều hoạt động và công việc từ khi học năm nhất, bao gồm Quản lý Dự án cho Bộ phận Hoạt động sinh viên tại trường và việc dạy IELTS trước khi chuyển hẳn sang công việc hiện tại. Mình thừa nhận rằng việc “work-life balance” không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Một trong số các một học cơ bản tại trường đã giúp mình học được cách sắp xếp công việc thông qua việc tạo lịch trình dựa trên hai tiêu chí: Urgent và Important.
Mình ưu tiên hoàn thành công việc quan trọng nhưng không gấp trước thời hạn và hạn chế công việc gấp nhưng không quan trọng bằng cách làm và kiểm tra thật kỹ lưỡng. Còn những công việc không gấp và không quan trọng sẽ được hoàn thành sau cùng. Công cụ mà mình thường sử dụng để sắp xếp lịch trình và quản lý công việc là Google Calendar.
Về việc học tại trường, khi mình quyết định đảm nhận vị trí nhóm trưởng, mình sẽ tập trung đưa ra hướng đi rõ ràng để tiết kiệm thời gian xử lý công việc cho tất cả các thành viên trong nhóm. Mình cũng không “ôm đồm” quá nhiều công việc để đảm bảo chất lượng, cũng như dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn.
Khi gặp những sự cố cần sửa chữa, Trân thường mất bao lâu để giải quyết chúng?
Trong công việc, đôi lúc sẽ không tránh khỏi sự sai sót. Mình thường xử lý nhanh nhất có thể. Cụ thể, đối với công việc đã được lên hệ thống tự động thì mình sẽ tốn ít thời gian chỉnh sửa hơn là những việc thủ công. Chính vì vậy, mình cố gắng tập trung sao cho mọi thứ được tự động hoá hết mức trong khả năng của mình.
Đối với các sự cố cần sửa chữa, mình luôn cố gắng xử lý nhanh nhất có thể. Nếu công việc đã được hệ thống hoá tự động, mình có thể giải quyết nhanh gọn hơn so với công việc thủ công. Vì vậy, mình tập trung vào việc tự động hoá mọi thứ trong khả năng của mình để giảm thiểu thời gian và công sức cần thiết cho việc chỉnh sửa.
Cảm ơn Bảo Trân về những chia sẻ của bạn!