Why Finance?
Finance là một thuật ngữ không còn xa lạ với sinh viên kinh tế. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao phải học một thứ lằng nhằng phức tạp như Finance?
Định nghĩa về Finance
Tài chính (Finance) là một trong những môn học “core” trong nhiều chương trình đào tạo ngành kinh doanh tại nhiều trường đại học. Thực tế, sinh viên có định hướng chuyên ngành khác với Tài chính (như Marketing) – cũng cần trải qua các môn học liên quan đến tài chính – mà Corporate Finance hay Personal Finance là ví dụ điển hình.¹
Bài viết này tóm tắt vài lý do để bạn cần “đau khổ” với Finance, và nó dựa vào các giả định:
- Sau ngày tốt nghiệp, bạn sẽ cần phải làm việc – dù là (i) thừa hưởng cơ ngơi của cha mẹ/họ hàng/người yêu, (ii) gia nhập vào đội ngũ làm công ăn lương và làm giàu cho người khác, hay (iii) tự khởi sự kinh doanh.
- Bạn không thể “phù phép” chương trình đào tạo của một trường đại học (vốn được xây dựng rất bài bản bởi hội đồng khoa học) để thay Finance bằng … lịch sử nhạc Jazz hay Nhập môn K-pop đương đại.
- Bạn cho rằng lifelong learning không phải là điều vô tri, và kiến thức từ học tập sẽ mang lại giá trị – dù không tức thời.
- Bạn không khó chịu vì văn phong nửa Anh nửa Việt.
Finance – hay nói trắng là tiền nong – gắn bó mật thiết với kinh doanh.
Công ty/doanh nghiệp bạn đang làm (chủ hoặc thuê) đều cần tiền (hay dòng tiền) để trả lương, thanh toán các chi phí nguyên vật liệu hay đầu tư vào những dự án.
Nếu bạn khởi sự kinh doanh, câu hỏi tiền/dòng tiền sẽ luôn quẩn quanh bên bạn với tần suất cực cao – vì việc đầu tiên luôn là … tiền đâu. Với Finance, bạn biết được nên mua (purchasing) hay thuê (leasing), nên đầu tư hay không (capital investment decisions), nên chuẩn bị bao nhiêu ngân lượng để đáp ứng nhu cầu cho tháng/quý sau (financial planning), nên chi trả cổ tức thế nào (dividend policy)…
Bạn không trực tiếp “đụng chạm” tới budget của công ty – vì bạn là một thần dân ngoan xinh yêu của phòng Marketing hay Truyền thông? Tiền nong vẫn là trung tâm của nhiều quyết sách quan trọng – ví dụ như một chiến dịch quảng cáo cần phê duyệt đầu tư. Và nhiệm vụ của bạn là cần chỉ rõ làm thế nào để khoản đầu tư biến thành doanh thu. Lúc này, kiến thức tài chính sẽ làm bản proposal của bạn trở nên thuyết phục hơn – dù khả năng được phê duyệt vẫn là ẩn số.
Ngoài ra, hầu hết việc đánh giá hiệu quả công việc đều dính dáng tới Finance. Tại phòng sales, những khuôn miệng với kỹ năng thuyết phục và đàm phán thượng thừa sẽ cười thật tươi nếu gross sales hay profit của khách hàng đạt kỳ vọng. Tại bộ phận operation, làm thế nào để được phê duyệt ngân sách đầu tư cho một hệ thống vận hành khi bạn không tính toán được return on investment?
Một ngày đẹp trời trong xanh nắng vàng, bạn sẽ chia tay các vị trí junior (không phải để nói chia tay kiểu Lou Hoàng). Chúc mừng và chào đón đến với CLB osin tổng hợp (a.k.a manager) – nơi mà các kiến thức tài chính là điều nên có (xem thêm tại ĐÂY).
Finance len lỏi vào cả cuộc sống thường nhật
Bạn chuẩn bị ký một hợp đồng bảo hiểm – kiến thức tài chính cơ bản sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong việc ra quyết định để tránh các sự cố đau thương.
Bạn là một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán? Việc phân tích các tỷ số tài chính (hoặc hiểu chúng) sẽ là một trong những bước cơ bản đầu tiên trước khi tiến hành các giao dịch. Xa hơn, với vài phép so sánh, bạn nhận ra ngay những chiếc “bánh vẽ” về lợi nhuận của các pháp sư thổi nến hay chuyên viên phòng tư vấn VIP.
Bạn vừa trúng số độc đắc – và cần chọn 1 trong 2 phương án (i) nhận một cục tiền (lump sum) hay (ii) từng khoản tiền chi trả hàng quý (quarterly installments).
Bạn dự định vay tiền để trang trải học phí và gia nhập vào lực lượng chúa chổm thời hiện đại? Số tiền phải đóng cho ngân hàng là bao nhiêu hàng tháng? Bạn được offer một thẻ tín dụng (credit card), quản lý vài tài khoản ngân hàng của cá nhân – lúc này Finance sẽ dẫn lối đến việc quản lý thu chi, tính toán chi phí (e.g., lãi) một cách bài bản.
Giới học thuật nói gì?
Financial literacy là một trong những chủ đề nghiên cứu lâu đời của giới khoa bảng toàn cầu. Đa số các nhà khoa học đồng thuận rằng hiểu biết về tài chính mang nhiều lợi ích cho cá nhân. Hãy tận dụng Google Scholar, bạn sẽ thấy:
Người càng hiểu biết tài chính càng đầu tư nhiều hơn vào stocks (van Rooij, Lusardi, & Alessie, 2011), có của cải dồi dào hơn (M. C. J. van Rooij, Lusardi, & Alessie, 2012), có khả năng lập và đạt được các kế hoạch hưu trí – qua có có được “Retirement Wellbeing“ (Lusardi & Mitchell, 2011), hay ít vay “cắt cổ” hơn (de Bassa Scheresberg, 2013) so với những cá nhân ít hiểu biết về tài chính…² Và nếu những kết quả nghiên cứu trên gắn với những outcome tương đối xa vời, hãy dành ít phút để tham khảo nghiên cứu “Can Financial Education Reduce Domestic Violence?” đến từ GS Phong Ngo tại Australian National University (ANU) (Link)
Tìm hiểu phương pháp học tập của Tân Cử nhân Tài chính ứng dụng tại Western Sydney Việt Nam
_____________
Trích dẫn:
de Bassa Scheresberg, C. (2013). Financial literacy and financial behavior among young adults: Evidence and implications. Numeracy, 6(2), 5.
Lusardi, A., & Mitchell, O. S. (2011). Financial literacy and planning: Implications for retirement wellbeing.
van Rooij, M., Lusardi, A., & Alessie, R. (2011). Financial literacy and stock market participation. Journal of Financial Economics, 101(2), 449-472. doi:https://doi.org/10.1016/j.jfineco.2011.03.006
van Rooij, M. C. J., Lusardi, A., & Alessie, R. J. M. (2012). Financial Literacy, Retirement Planning and Household Wealth. The Economic Journal, 122(560), 449-478. doi:10.1111/j.1468-0297.2012.02501.x
¹ Bài viết không hướng đến các môn học phức tạp như Financial Econometrics, Securities Valuation, hay Financial Modelling.
² Đoạn ngắn này có thể nhân lên 20 lần về độ dài khi tổng thuật những nghiên cứu khác nói về mối quan hệ giữa Financial Literacy và Financial Behaviour.