Tự học: Yếu tố then chốt để bản thân không bị bỏ lại
Xã hội ngày nay đòi hỏi sự linh hoạt, tư duy phản biện, và khả năng tự học vượt trội vì trong thời đại mà tri thức nhân loại nhân đôi chỉ sau 12 giờ, việc học cứng nhắc và phụ thuộc vào hệ thống giáo dục truyền thống dường như đã không còn đủ.
“Một nghiên cứu cho thấy vào năm 1945, phải mất 25 năm để tổng tri thức của nhân loại tăng lên gấp đôi, nhưng hiện tại, cứ 12 giờ thì kiến thức nhân loại đã nhân đôi…” (Trích bài viết trên VNExpress– Khi Giáo Dục Làm Dâu Trăm Họ). Nghe như khoa học viễn tưởng, đúng không. Tuy nhiên, bên trên là 1 trích đoạn mình vô cùng ấn tượng sau khi đọc bài viết Khi giáo dục “làm dâu” trăm họ từ Chuyên Gia Giáo Dục Bùi Khánh Nguyên trên VnExpress.
Tự học hay tự đào thải?
Vô số lứa học sinh lao đầu vào luyện, giải đề thi Đại học (ĐH) các năm để rồi trở thành Tân Sinh Viên các ngành hot hit. Ngày tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng ĐH tốn không ít mồ hôi, nước mắt và caffeine, thế nhưng không ít người sau một vài năm vật lộn với ‘cơm áo gạo tiền’ đã nhanh chóng bị đào thải bị thế hệ trẻ hơn mình…
Vậy thì việc học sinh (bị) biến thành những “cỗ máy ghi nhớ” có thực sự hiệu quả không, khi mà lượng kiến thức có thể tự học ngày nay nổ tung còn nhanh hơn cả tốc độ lướt TikTok?
Nhớ lại những ngày còn đi học…
Chúng ta được dạy bao nhiêu thứ từ toán, lý, hóa cho đến mớ lý thuyết “nhức đầu” (ai đồng cảm thì giơ tay!). Đúng là đôi khi kiến thức được dạy cứng nhắc, khó nuốt, và có khi là… chưa kịp cập nhật mới nhất để sát với thực tế, nhưng kiến thức nền tảng vẫn quan trọng bởi móng nhà không vững thì đừng mong xây được ngôi nhà cao.
Bước vào thị trường lao động
Ai rồi cũng sớm nhận ra những gì đã học chỉ là một phần rất nhỏ và kiến thức cần được cập nhật thường xuyên. Cuộc sống ngoài kia thay đổi từng giờ từng phút, yêu cầu một sự linh hoạt và khả năng tự thích nghi cao hơn bao giờ hết. Vậy nên, trông chờ hay ỷ y vào thầy cô hay chương trình học là điều không còn thực tế nữa. Xã hội thời nay cần những cá nhân có khả năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, và làm chủ công nghệ.
Khi tự học trở thành yếu tố then chốt giúp chúng ta không bị bỏ lại phía sau, thì theo bạn, điều gì sẽ giúp một người trở thành một “lifelong learner,” đặc biệt là khi không còn những bài kiểm tra hay kỳ thi nào thúc ép?
Đọc thêm Phương pháp học tập hiệu quả – 2 hình thức tư duy