Tính mềm dẻo thần kinh: Tại sao nên ôn luyện cách quãng
Tụi mình lại nghe thầy cô bạn bè nhắc là “Đừng dồn vào đêm cuối trước thi.” Cách học chia nhỏ bài hay còn được gọi là “ôn luyện cách quãng” có liên quan gì đến trí nhớ mà lại được mọi người yêu thích đến vậy?
Thần kinh cũng mềm dẻo như cơ bắp
Với những ai từng chơi thể thao, chắc hẳn đều biết đến khái niệm tăng cường độ, tăng sức bền của cơ bắp. Nói ngắn gọn, nếu ta tập luyện cường độ cao ngay từ đầu khi cơ thể chưa kịp thích nghi, cơ khớp sẽ không chịu đựng nổi và dễ xảy ra chấn thương. Nhưng nếu ta tăng cường độ tập luyện dần dần, mỗi ngày nặng hơn một chút nhưng thời gian bền bỉ, kết hợp với nghỉ ngơi ăn uống điều độ, ta sẽ nâng được giới hạn bản thân.
Neuroplasticity – khả biến thần kinh, hay còn gọi là tính mềm dẻo thần kinh, cũng tương tự như tính mềm dẻo của cơ bắp. Neuroplasticity là khả năng não bộ tự tái cấu trúc và hình thành các kết nối thần kinh mới suốt đời. Điều này có nghĩa là não bộ của chúng ta không phải là một hệ thống cố định; nó luôn thay đổi và thích nghi dựa trên những trải nghiệm và kiến thức mới mà chúng ta tiếp nhận.
Ví dụ của Neuroplasticity
- Học Ngôn Ngữ Mới: Khi bạn học một ngôn ngữ mới, việc lặp đi lặp lại từ vựng và cấu trúc ngữ pháp giúp hình thành các kết nối thần kinh mới, làm cho việc sử dụng ngôn ngữ trở nên tự nhiên hơn.
- Chơi Nhạc Cụ: Luyện tập đàn piano hoặc guitar yêu cầu sự phối hợp giữa tay và mắt, kích thích não bộ tạo ra và củng cố các kết nối thần kinh mới cần thiết cho kỹ năng này.
- Thể Dục Thể Thao: Việc luyện đi luyện lại một động tác mới trong thể thao cũng giúp hình thành các kết nối thần kinh mới để kiểm soát cơ bắp và phản xạ, nhờ đó nâng cao kỹ năng và kết quả thi đấu của các vận động viên.
Xem thêm 4 lý do khiến chúng ta trì hoãn
Mối liên hệ giữa Neuroplasticity và Ôn luyện cách quãng
Ôn luyện cách quãng là kỹ thuật học tập liên quan đến việc xem lại thông tin theo các khoảng thời gian tăng dần, giúp tăng cường khả năng ghi nhớ lâu dài. Ôn luyện cách quãng tận dụng tính mềm dẻo thần kinh (neuroplasticity) của não bộ bằng cách kích thích quá trình tái cấu trúc và củng cố các kết nối thần kinh.
Khi bạn ôn luyện một thông tin sau một khoảng thời gian nhất định, não sẽ phải tái kích hoạt các nơ-ron liên quan đến thông tin đó, từ đó làm mạnh mẽ hơn các khớp thần kinh. Sự lặp lại này không chỉ giúp tăng cường độ bền của các kết nối, mà còn tạo điều kiện cho các liên kết thần kinh mới hình thành, hỗ trợ trí nhớ dài hạn.
Thời gian giãn cách giữa các lần ôn luyện cũng đóng vai trò quan trọng, vì nó cho phép não xử lý và lưu trữ thông tin sâu hơn trong bộ nhớ. Chính nhờ cơ chế này, ôn luyện cách quãng giúp tối ưu hóa khả năng học tập và ghi nhớ, đồng thời giảm nguy cơ lãng quên so với phương pháp học dồn dập.
Áp dụng Ôn luyện cách quãng thế nào?
- Chia nhỏ bài học: Hãy chia bài học thành các phần nhỏ và lên lịch ôn tập hàng tuần thay vì nhồi nhét trước kỳ thi.
- Sử dụng công cụ hỗ trợ: Các ứng dụng như Anki hoặc Quizlet có thể giúp bạn áp dụng phương pháp ôn luyện cách quãng một cách hiệu quả.
- Kiên nhẫn và đều đặn: Não bộ cần thời gian để xây dựng các kết nối thần kinh mới, vì vậy việc ôn tập đều đặn theo lịch trình rất quan trọng. Đừng để nước tới chân mới nhảy, dồn dập kiến thức trong vài ngày trước khi thi sẽ khiến não bộ quá tải bạn nhé.
Học tập là một hành trình dài hạn. Việc áp dụng những kỹ thuật học tập khoa học, như ôn luyện cách quãng, không chỉ giúp bạn đạt kết quả tốt hơn mà còn giảm căng thẳng trong mùa thi. Chúc mấy ní một mùa thi thật tự tin và kết quả tốt nha!
_____________
Nguồn tham khảo:
Kanyin Feng, Xiao Zhao, Jing Liu, Ying Cai, Zhifang Ye, Chuansheng Chen, Gui Xue (2019). Spaced Learning Enhances Episodic Memory by Increasing Neural Pattern Similarity Across Repetitions. Journal of Neuroscience 3 July 2019, 39 (27) 5351-5360; DOI: 10.1523/JNEUROSCI.2741-18.2019