4 lý do khiến chúng ta trì hoãn
Có bao giờ bạn tự hỏi vì sao mình cứ trì hoãn học hành hay hoàn thành một việc gì đó không? Hãy cùng khám phá 4 lý do chính khiến chúng ta trì hoãn và cách để vượt qua nó nhé!
Cuộc chiến giữa hệ Limbic và Prefrontal Cortex (Vỏ Não Trước Trán)
Theo khoa học, khi đối mặt với một nhiệm vụ mà chúng ta cho là không thú vị, có một cuộc xung đột xảy ra giữa hệ limbic (xử lý cảm xúc và tìm kiếm niềm vui tức thì) và vỏ não trước trán (nơi lập kế hoạch và ra quyết định). Hệ limbic thường thắng, khiến chúng ta chọn những hoạt động mang lại niềm vui ngay lập tức thay vì công việc cần làm. [1]
Giải pháp: Chia nhỏ việc học thành các phần nhỏ, dễ hoàn thành để tạo cảm giác thành tựu và thỏa mãn “tiếng gọi” của hệ limbic. Thay vì dồn hết bài học vào tuần cuối, hãy bắt đầu ôn tập sớm hơn, ví dụ từ tuần 10, mỗi 2-3 ngày hoàn thành một chương. Vừa dễ tiếp thu, vừa không gây áp lực, đúng không nào?
Dopamine – Chìa Khóa Động Lực
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, phấn đấu cho mục tiêu và kiểm soát cơn bốc đồng. Nghiên cứu cho thấy mức dopamine cao giúp chúng ta “thiên vị” phần thưởng (hoàn thành bài học) hơn so với chi phí (sự mệt mỏi khi học). [2] Nhưng lưu ý sức mạnh của dopamine chống lại trì hoãn chỉ hiệu quả nếu đó là dopamine thực sự thôi nha.
Giải pháp: Tham gia các hoạt động như tập thể dục, chơi thể thao, ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh. Khi cơ thể khỏe mạnh, mức dopamine tăng cao sẽ giúp bạn phấn chấn và có ý chí học tập hơn.
Lo Lắng Khiến Chúng Ta Né Tránh
Cảm giác lo lắng (anxiety) và choáng ngợp trước khối lượng bài vở có thể khiến chúng ta tránh né nhiệm vụ, như kiểu “mắt không thấy thì tim không đau” vậy. [3] Điều này giải thích tại sao có những bạn tới ngày final thì bỏ thi hoặc vào phòng thi nhưng nộp giấy trắng luôn.
Giải pháp: Tạo niềm vui và hứng thú trong việc học. Nếu bạn hướng ngoại, hãy lập nhóm học chung, giảng bài cho nhau hoặc sử dụng flashcard để ôn tập. Nếu bạn hướng nội, hãy tạo một góc học tập thoải mái với ánh sáng tự nhiên và cây xanh để tâm trạng thoải mái hơn. Và quan trọng là phải bắt đầu từ sớm để khỏi bị panic khi sát deadlines mà còn bài vở còn dồn đống nha.
Môi Trường Và Sự Xao Nhãng
Những yếu tố như thời hạn dài, thiếu kỷ luật và các cám dỗ khiến ta phân tâm sẽ càng khiến chúng ta trì hoãn hơn. [4]
Giải pháp: Đặt ra những deadline ngắn (hôm nay học chương 1, ngày mai chương 2), tắt thông báo trên máy tính, để điện thoại ở phòng khác và cam kết không đụng vào nó khi chưa hoàn thành mục tiêu. Bạn sẽ thấy hiệu quả tăng lên đáng kể khi không bị xao nhãng bởi tiếng ting ting của thông báo từ thiết bị điện tử!
Trì hoãn là kẻ thù của thành công, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua nó bằng những chiến lược đơn giản như trên. Hãy bắt đầu hành động ngay hôm nay để không còn cảnh “nước đến chân mới nhảy” nữa nhé!
Xem thêm Cách não bộ vận hành
_____________
Tài liệu tham khảo:
¹ Zhang, W., Wang, X. & Feng, T. Identifying the Neural Substrates of Procrastination: a Resting-State fMRI Study. Sci Rep 6, 33203 (2016). https://doi.org/10.1038/srep33203 ↩︎
² Westbrook A, van den Bosch R, Määttä JI, Hofmans L, Papadopetraki D, Cools R, Frank MJ. Dopamine promotes cognitive effort by biasing the benefits versus costs of cognitive work. Science. 2020 Mar 20;367(6484):1362-1366. doi: 10.1126/science.aaz5891. PMID: 32193325; PMCID: PMC7430502. ↩︎
³ Sirois FM. Procrastination and Stress: A Conceptual Review of Why Context Matters. Int J Environ Res Public Health. 2023 Mar 13;20(6):5031. doi: 10.3390/ijerph20065031. PMID: 36981941; PMCID: PMC10049005. ↩︎
⁴ Svartdal F, Dahl TI, Gamst-Klaussen T, Koppenborg M, Klingsieck KB. How Study Environments Foster Academic Procrastination: Overview and Recommendations. Front Psychol. 2020 Nov 2;11:540910. doi: 10.3389/fpsyg.2020.540910. PMID: 33224046; PMCID: PMC7667251. ↩︎