Đi học bằng gì? Chuyện muôn thuở từ Đông sang Tây
Khi tôi rời gia đình ở Đà Nẵng để đi học đại học cách đây 15 năm, tắc đường vẫn là một điều gì đó thật xa vời với người dân thành phố này.
Sài Gòn – Nỗi khổ mùa mưa
Đặt chân vào Sài Gòn, tôi choáng ngợp với lưu lượng xe cộ ở đây. Những năm 2009-2010, nguyên trục đường từ Bàu Cát (Tân Bình) đến Ngã tư Hàng Xanh (Bình Thạnh) toàn gặp công trình sửa đường, nên khoảng cách trên dưới 10 km thôi mà ngày nào tôi cũng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ để lên trường hoặc về nhà. Tôi, tân sinh viên hồn nhiên và nhiều dự định, lên đủ thứ kế hoạch học hành chính khoá, học thêm chỗ này chỗ kia, sinh hoạt câu lạc bộ chỗ kia chỗ nọ, nên quyết định phải đi xe máy để “chủ động”.
Mà chắc ai dân FTU2 đều thấu hiểu cảnh khổ khi sân trường thì bé, đường thì hẹp, sinh viên thì đông nên chẳng mấy khi có cơ hội để xe trong sân trường mà toàn để ngoài rồi đi bộ đến lớp. Tới mùa mưa thì đúng là “xu cà na ở mọi vũ trụ” luôn, lết thết dắt được con xe máy lội nước khỏi Bình Thạnh thì về Bàu Cát phải gửi xe cách nhà 1 km rồi cuốc bộ về vì ngập lút ống pô.
Tokyo – Đất chật người đông, đi bộ cho khoẻ người!
Qua được mùa mưa miền Nam thì tôi lên đường đi Nhật. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tôi đi từ Sài Gòn qua tới thành phố có lượng dân cư nhất nhì thế giới. Với giá thuê nhà đắt khủng khiếp ở trung tâm Tokyo, tôi luôn luôn phải đánh đổi giữa (1) ở xa-nhà rẻ-đi tàu 90 phút với (2) ở gần-nhà đắt-tự đi xe. Với lựa chọn số (1), để có mặt ở lớp lúc 8:00 sáng, tôi phải dậy lúc 5:30, sửa soạn cặp sách và cơm trưa rồi đi bộ đến ga, đứng xếp hàng thật dài để chui lên tàu điện.
Cảnh các chú nhân viên nhà ga nhét hành khách lên tàu kẻo “chật quá phòi ra mất” ta vẫn thấy trên báo chí thực ra vẫn xảy ra giờ cao điểm 6:00 – 8:00 mỗi ngày trong tuần. Tôi không phải thăng bằng trên chân mình nữa, mà đông đến mức không bao giờ té ngã vì làm gì có khoảng trống nào để mà rơi. Tôi chịu đựng cảnh ấy được tầm 1 năm thì thôi.
Chuyển sang phương án (2), tôi hăm hở mua cho mình chiếc xe đạp, mỗi ngày 3 km đến trường. Rồi xong, thay vì mỗi sáng chen trong tàu thì giờ mỗi sáng tôi phải đạp quanh trường vài vòng mới kiếm được chỗ xe đạp. Ngoài ra còn các pha đạp xe trời tuyết đường trơn té lăn quay, hoặc đạp xe buổi tối nhầm vào đường cao tốc, hay đạp xe trên vỉa hè (theo đúng luật giao thông Nhật Bản) thì phải dừng tránh người đi bộ suốt.
Mùa hè đạp xe đến trường xong thường phải kiếm chỗ tắm thay đồ trang điểm lại mới dám bước vào lớp. Mùa đông lạnh cóng, hở chỗ nào ra là đông đá chỗ đó, tay chân mặc kỹ thì cứng đơ không đạp nổi. Thế là phương án (2) cũng chỉ trụ được chưa đầy 6 tháng. Tôi chuyển sang phương án (3): ở nhà gần vừa vừa – đi tàu điện tuyến ít người và (4) ở sát trường – đi bộ. Mỗi phương án được 2 năm.
Và như vậy, gần 6 năm ở Tokyo, tôi đã tung hoành ngang dọc khắp các nơi bằng tàu điện và xe buýt. Đôi khi nghĩ lại cũng thắc mắc, Waseda trường tôi là top 1 trường tư của Nhật Bản, vậy mà chỗ đỗ xe không có, giáo sư sinh viên gì cũng phải cuốc bộ đến trường từ bãi đỗ tư nhân ở xa hoặc từ bến metro/bus. Nhưng chắc chẳng còn cách nào đâu, diện tích đất trung tâm thành phố thì hữu hạn, mà số sinh viên, giảng viên, nhân viên, và cả những người dân xung quanh nữa, cũng tăng lên theo từng năm.
Với bài toán xây dựng cơ sở vật chất phục vụ con người hay phục vụ logistics, Waseda đã chọn con người: trường dành quỹ đất để xây thêm ký túc xá cho sinh viên, thêm trung tâm thể thao và nghệ thuật cho sinh viên. Còn chuyện đậu xe ư? Thôi, đi bộ cho khoẻ người.
New York – Có xe hơi vẫn phải đi bus đến trường
Sau khi tốt nghiệp, tôi cùng chồng sang Mỹ để anh làm tiến sĩ ở đại học Cornell, 1 trong 8 trường Ivy League. Campus ở trung tâm thành phố New York (NYC) thì nhỏ và đương nhiên là không có nhiều chỗ để đỗ xe, giá nhà thì cao ngất ngưởng nên ai đi cả gia đình thì không thể mơ thuê được sát trường để đi bộ. Cảnh tượng cũng giống y Tokyo, mỗi sáng dậy sớm đi bộ đến bến metro để bắt tàu đi học. Sau 6 năm xoay cuồng ở Tokyo, tôi nghĩ mình cần cuộc sống “chill chill healing” chút xíu, nên chọn…về quê.
Campus chính của Cornell ở phía Bắc bang New York, cách NYC 4 giờ ô tô, nơi chúng tôi đã sống 4 năm. Nơi đây đồng không mông quạnh, siêu thị gần nhất cách nhà cỡ 5-6 km còn bệnh viện thì 10 km mới có, nếu sang chảnh tìm chợ Việt thì đi ô tô sương sương có 100 km thôi.
Thế là chúng tôi quyết định mua xe. Vậy chứ, mỗi lần lên trường đều phải đi xe buýt, hoặc đậu ở thật xa rồi đi bộ vào. Lý do cũng gần tương tự Waseda: các bãi đỗ xe ở giữa campus chỉ ưu tiên cho người khuyết tật, hoặc giảng viên hoặc ai “đến trước xí phần”, thường là các bạn học tiết 1. Có lần tôi “đậu đại” nhầm chỗ, cảnh sát tuần tra dán ngay cho cái phiếu phạt 175 đô la và một phiên hầu toà.
Nhưng tại sao Cornell lại làm thế, dù quỹ đất còn bạt ngàn, không phải hạn hẹp như Waseda? À, hoá ra, chỗ đậu 1 chiếc xe có thể đủ để trồng 1-2 cái cây. Hoá ra, sự tiện lợi chốc lát của con người sẽ phải đánh đổi bằng sức khoẻ của toàn bộ hệ sinh thái, của chính loài người khi ta kết hợp combo lười vận động + hít không khí nhiễm độc. Hoá ra, học hành làm việc vì một tương lai tốt đẹp sẽ trở nên thật vô nghĩa, nếu trước hết ta không giữ được tương lai đó đừng độc hại hơn hiện tại.
Kết
Có thể em sẽ hỏi tôi: ở những nơi không có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi thì làm sao? Tôi hiểu chứ, vì khi chuyển từ Tokyo nơi metro có chuyến mỗi 3-5 phút, tôi đã sốc tận nóc khi đến Ithaca, nơi xe buýt đi chợ (ngoài campus) cách nhau 30-60 phút, có khi ngày chỉ có 3-4 chuyến, mà 19:00 là chuyến cuối cùng. Có lẽ bởi hệ thống giao thông công cộng ở Mỹ không tiện lợi nên mới sinh ra nền kinh tế chia sẻ như Uber chăng?
Trong lúc chờ đợi cơ sở hạ tầng thành phố được cải thiện (mà chắc chắn là còn lâu), thì chi bằng ta cứ tự tìm giải pháp cho mình. Từ hồi về Việt Nam, tôi đi dạy hàng ngày bằng Grab bike cũng vì lý do tìm không ra chỗ để xe ở trường, áp mã giảm giá vào thì chắc rẻ hơn tiền xăng. Một cách nữa, mộc mạc hơn mà tôi thấy vài sinh viên ở Mỹ và VN vẫn hay dùng, đó là chia sẻ với bạn bè: đi nhờ 1 cuốc xe (nhớ share tiền xăng nha), thì từ 2-4 người chỉ còn cần có 1 chỗ đậu xe mà thôi.
Nhiều bạn bè tôi ở Sài Gòn, Hà Nội thì chọn đi xe buýt hoặc metro (Tôi luôn ao ước xe buýt Đà Nẵng được nhiều tuyến, nhiều chuyến như Sài Gòn cách đây 10 năm thôi cũng được rồi).
Còn em, em chọn giải pháp gì cho mình?
Khám phá thêm các bài viết khác trên Blog Western Sydney Việt Nam