Site icon Western Sydney Việt Nam

WSU Stars #4: Nguyễn Trần Trọng Tín – Thành công không dùng để “flex”

WSU Stars #4: Nguyễn Trần Trọng Tín - Thành công không dùng để “flex”

WSU Stars #4: Nguyễn Trần Trọng Tín - Thành công không dùng để “flex”

Nguyễn Trần Trọng Tín là một cá nhân năng động và đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng đối với với những thách thức và chủ động tìm kiếm cơ hội mới. Với niềm đam mê trong lĩnh vực Marketing, đặc biệt là xây dựng thương hiệu, Tín đã tích lũy được các kinh nghiệm quý giá về chiến lược thương hiệu và sáng tạo nội dung.

Xuất hiện trong WSU Stars, số thứ 4, Tín đã thể hiện sự lạc quan và ý chí cầu tiến trong con đường sự nghiệp của mình.

Được biết, Tín là một người rất “đa nhiệm”, bạn có thể chia sẻ đôi nét về những công việc đã và đang làm?

Ngay từ năm nhất, mình đã có trải nghiệm ở nhiều công việc khác nhau. Bắt đầu với vai trò Trợ giảng tại The IELTS Workshop, mình đã gắn bó với công việc này suốt gần 3 năm và được thăng tiến ở nhiều vị trí khác nhau. Trong thời gian đó, mình cũng là một thực tập sinh tại ELSA Speak.

Hiện tại, mình đang phụ trách mảng Marketing tại xolve branding , và cũng đồng thời làm ở vị trí tương tự cho start-up của mình về lĩnh vực giảng dạy IELTS.

Tín bắt đầu với vai trò Trợ giảng tại The IELTS Workshop, mình đã gắn bó với công việc này suốt gần 3 năm và được thăng tiến ở nhiều vị trí khác nhau

Thành tích xuất sắc nhất mà Tín từng đạt được kể từ lúc trở thành sinh viên Western Sydney?

Có ba thành tích mà mình cảm thấy rất tự hào, mặc dù không quá lớn lao. Thứ nhất, là việc mình nhận được học bổng 50% trong năm học đầu tiên. Thứ hai, là những con điểm D mà mình “trầy trật” mới có được ở Stage 2. Cuối cùng, mình cũng tự hào vì được công nhận bởi những đóng góp tích cực trong chuỗi hoạt động sinh viên tại trường.

Định hướng nghề nghiệp của Tín trong vài năm tới là gì?

Hiện tại, mình đang theo hướng “branding”. Dù marketing, branding, communication và advertising có vẻ hơi khó phân biệt, nhưng Tín cảm thấy branding là một ngành khá mới và đa phần không có quá nhiều agency làm branding “đúng chất” như công ty hiện tại của Tín. Nói đi cũng phải nói lại, “branding” là một lĩnh vực khá mới và “ngách” tại Việt nam.

Mục tiêu gần trong tương lai của mình là trở thành một Brand Strategist, đồng thời là một Brand Content Creator, giúp các thương hiệu xây dựng một hướng đi truyền thông lâu dài và tạo sự nhất quán về nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.

Bạn đã từng nghĩ rằng sau khi ra trường, nhất định phải vào MNCs?

Mình thích một chút áp lực và một chút “hands-on”. Vì vậy, môi trường làm việc tại agency hay start-up sẽ mang đến cho mình những trải nghiệm đó. Điều là cơ hội để mình tham gia vào những công việc mà mình có thể là người đầu tiên xây dựng và phát triển nó. Qua đó, mình có thể hiểu sâu xa hơn, học hỏi tốt hơn và tiến bộ nhanh hơn. Mình luôn sẵn lòng thúc đẩy bản thân để có một quỹ đạo học tập ngắn hơn,

Tuy vậy, điều này không có nghĩa là mình không thích MNCs. Nếu mình được cơ hội làm việc tại các MNCs như Unilever, Bosch, P&G, hoặc các Consulting firms như Bain, BCG, thì mình sẽ xem xét cẩn thận.

Môi trường làm việc tại agency hay start-up sẽ mang đến cho Tín những trải nghiệm mới mẻ

Nếu tính từ miêu tả chính xác nhất về bạn là “đa nhiệm”, thì bạn đã làm thế nào để cân bằng thời gian giữa việc học, làm và nghỉ ngơi?

Thật sự, việc cân bằng thời gian giữa việc học, làm việc và nghỉ ngơi là một thử thách lớn đối với mình. Hiện tại, công việc của mình đôi khi đặt ra yêu cầu phải phản hồi cho khách hàng mỗi 3 ngày một lần, và điều này tạo ra áp lực lớn.

Tuy nhiên, để cân bằng “mood”, mình vẫn dành 1 – 2 giờ mỗi ngày để thư giãn. Có thể là lướt TikTok hay xem phim. Chủ nhật là ngày mà mình dùng để… không làm gì ngoài việc đi ăn, đi chơi (cười).

Bạn đã từng trải qua trường hợp không thành công trong quá trình phỏng vấn tại một doanh nghiệp nào đó chưa?

Dĩ nhiên, mình từng nhận được nhiều email từ chối từ các công ty lớn và nhỏ. Nhưng điều đó không làm mình sợ hãi, bởi thất bại cũng là một phần của cuộc sống. Quan trọng là mình đã học được gì từ những sai lầm và tiếp tục phát triển ra sao.

Từ những lần thất bại, mình rút ra được hai điều quan trọng cần phải xem xét. Đó là bản thân và công ty. Có thể mình không thật sự phù hợp với một số công ty hoặc công ty đã đủ nhân sự và không còn nhu cầu tuyển dụng.

Mặc dù, mình không thể kiểm soát tình trạng tuyển dụng của các công ty, nhưng mình có thể tập trung nâng cao khả năng ứng phó bằng cách cải thiện bản thân qua CV, email giới thiệu và duy trì liên lạc với nhân sự sau mỗi đợt phỏng vấn.

Những kinh nghiệm mà bạn tích lũy được tại doanh nghiệp hiện tại?

Mình đã có kinh nghiệm đối mặt với những dự án lớn, đòi hỏi đầu tư và chi phí hợp tác lớn gấp 3000 lần lương tháng của mình (cười).

Đối với mình, định nghĩa của thành công không đo lường bằng thành tích của dự án. Mà đến từ việc mình nhận được lòng tin của cấp trên và sự giao phó của họ cho mình những “task” quan trọng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc năng lực của mình được đánh giá cao. Cảm giác tự hào này khơi dậy sự tự tin và động lực để tiếp tục phát triển, cũng như đối mặt với những thử thách mới trong tương lai.

Khi gặp những khó khăn, bạn thường làm cách nào để kiểm soát và vượt qua?

Khi gặp những khó khăn trong công việc, mình thường đặt câu hỏi cho cấp trên hoặc người đã giao nhiệm vụ để cùng nhau tìm ra hướng giải quyết.

Bằng cách này, mình có thể nhận được thông tin trực tiếp từ những người có kinh nghiệm hoặc người đang giữ vai trò quản lý. Từ việc hỏi và lắng nghe ý kiến, mình có thể hiểu rõ hơn vấn đề, cũng như có thêm kinh nghiệm xử lý tình huống tương tự.

Mình cũng không sợ hãi những khó khăn bởi mình nhận thức rằng luôn có “sự cố” trong “sự cố gắng”. Mặc dù, có thể gặp thất bại nhưng ít nhất, mình cũng đã cố gắng hết sức.

Cách bạn đặt ra mục tiêu và cách để đạt được mục tiêu đó trong sự nghiệp?

Mình áp dụng phương pháp chia mục tiêu thành các khoảng thời gian 3 – 6 tháng và sử dụng mô hình SMART (Specific, Measurable, Achievable, Relevant, Time-bound).

Mình đặt mục tiêu dựa trên ba tiêu chí chính là: Thiếu (Lack) – Ưu tiên (Prioritization) – Nâng cấp (Boost). Đó là, mình tập trung vào những khía cạnh mà mình thiếu kỹ năng hoặc kiến thức (Lack), ưu tiên làm những việc quan trọng nhất và ưu tiên những lĩnh vực mà mình giỏi (Prioritization), nhằm nâng cao trình độ và năng lực của bản thân (Boost).

Ví dụ, hiện tại, mình đang tập trung vào các mục tiêu chính như cải thiện văn hoá tổ chức và giao tiếp nội bộ cho khách hàng. Đồng thời, mục tiêu phụ là xây dựng chiến lược về thương hiệu cho khách hàng trên các nền tảng mạng xã hội, nhất là các doanh nghiệp B2B. Trong trường hợp này, mình sẽ ưu tiên hoàn thành các mục tiêu chính trước, sau đó chuyển giao cho khách hàng, rồi mới tiếp tục tập trung vào mục tiêu phụ.

Trong giai đoạn chuẩn bị rời xa ghế nhà trường, bạn nghĩ điều gì khi nói về Đại học Western Sydney?

Có ba điều mà mình luôn muốn nhắc đến khi nói về Western Sydney.

Thứ nhất, đó là sự xứng đáng. Mình tin rằng việc lựa chọn Western Sydney là một quyết định sáng suốt vì giá trị kiến thức mà trường mang lại. Mỗi khoản đầu tư vào việc học tại đây đều đáng giá bởi sự trang bị kiến thức và kỹ năng mà mình đã nhận được.

Thứ hai, là mạng lưới mối quan hệ. Tại Western Sydney, mình có cơ hội xây dựng mạng lưới mối quan hệ với những người có cùng giá trị, tài năng và tinh thần cầu tiến. Mạng lưới này không chỉ mang lại sự hỗ trợ và động lực, mà còn mở ra nhiều cơ hội và liên kết trong lĩnh vực mà mình đam mê.

Thứ ba, là nền tảng vững chắc. Dù có những đối thủ cạnh tranh khác, nhưng Western Sydney vẫn là ngôi trường mang đến cho mình một nền tảng vững chắc cả về kiến thức và kinh nghiệm. Chương trình học tập không chỉ tập trung vào việc truyền đạt kiến thức mà còn đẩy mạnh khả năng thực hành và áp dụng. Mình có cơ hội tham gia vào các dự án, nghiên cứu và thực tập. Từ đó, phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo.

Cảm ơn Tín về những chia sẻ của bạn!