Site icon Western Sydney Việt Nam

WSU Stars #3: Hùng Nguyễn Bảo Trân – Bước ra khỏi “rat-race” và định hình đam mê ở lĩnh vực sáng tạo nội dung số

Hùng Nguyễn Bảo Trân, sinh viên năm ba, chuyên ngành Marketing, Western Sydney Việt Nam, đã thể hiện sự đa tài và tự tin của mình trong lĩnh vực sáng tạo nội dung số. Sau khi tham gia nhiều sự kiện và dự án phim ảnh, Trân có định hướng trở thành một biên tập viên video chuyên nghiệp. 

Trong WSU Stars, số thứ 3, Bảo Trân đã có những chia sẻ về hành trình bước ra khỏi “rat-race” để theo đuổi khát vọng sáng tạo và tự mở ra con đường riêng trong thế giới nội dung số.

Chào Trân, bạn có thể chia sẻ đôi nét về công việc hiện tại của bạn được không?

Sau một thời gian trải nghiệm và thực tập ở lĩnh vực Marketing, mình đã phát hiện ra đam mê thực sự của mình nằm ở “Production”. Vì vậy, mình đã bắt đầu xây dựng kế hoạch theo đuổi đam mê này.

Hiện tại, mình đang là thành viên của Dự án Storytellers – một dự án đào tạo sinh viên về làm phim ngắn. Đồng thời, mình vừa hoàn thành một bộ phim ngắn với chủ đề “Bình đẳng giới”. Mình đang từng bước một trở thành một Video Creator chuyên nghiệp. Trong tương lai, mình muốn trở thành một Creative Producer.

Trong WSU Stars, số thứ 3, Bảo Trân đã có những chia sẻ về hành trình bước ra khỏi “rat-race” để theo đuổi khát vọng sáng tạo và tự mở ra con đường riêng trong thế giới nội dung số.

Điều gì đã khiến Trân có đam mê với việc sản xuất nội dung số?

Từ những năm tháng học sinh, mình đã bắt đầu khám phá và tham gia vào việc sản xuất video. Ban đầu, công việc của mình đơn giản chỉ là tạo ra những video giúp truyền tải bài học trên trường một cách dễ dàng và tiện lợi cho học sinh.

Từ đó, mình bắt đầu tham gia vào những dự án sản xuất video khác. Nổi bật nhất là Video quảng bá cho Fujifilm, mang tiêu đề Sài gòn, thương hổng hết. Đây là video được đánh giá cao và thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia trong ngành.

Nhờ thành công từ video này, mình đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc với các chuyên gia. Điều này đã khuyến khích mình tiếp tục phát triển kỹ năng và hoàn thiện bản thân để trở thành một nhà sản xuất chuyên nghiệp trong tương lai. Do đó, mình đã tham gia vào Dự án Storytellers.

Những thách thức và cơ hội trong giai đoạn đầu trở thành thành viên của Dự án StoryTellers?

Dự án StoryTellers mà mình tham gia đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Từ quá trình chuẩn bị ban đầu, quá trình tiền kỳ, cho đến những buổi quay và giai đoạn hậu kỳ. Toàn bộ quá trình này kéo dài trong suốt 3 tháng. Tại đây, mình được gặp gỡ nhiều đạo diễn và biên kịch nổi tiếng trong ngành.

Khó khăn lớn nhất mà mình gặp phải chính là mình là một “newbie” thực sự trong lĩnh vực này. Trong khi mình chỉ mới có đam mê chụp ảnh và quay phim, thì những anh chị khác đã có kinh nghiệm trong sân khấu điện ảnh, truyền thông đa phương tiện, cũng như đã thực hiện nhiều dự án trước đây. Điều này đôi khi tạo áp lực cho mình trong quá trình tham gia.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà mình có được từ dự án chính là “networking”. Mình đã được gặp gỡ nhiều anh chị trong ngành và đây cũng là cơ hội để mình mở rộng mối quan hệ công việc trong tương lai.

Sau khi buổi công chiếu, mình đã được đề cử vào vai trò đạo diễn ấn tượng và được bầu làm Phó chủ nhiệm cho Storytellers.

Trân nhận thấy mối liên hệ giữa ngành học hiện tại (Marketing) và niềm đam mê của bạn như thế nào?

Mình cảm thấy có chút khác biệt so với những bạn đang theo cùng chuyên ngành. Thú thật, ban đầu mình cảm thấy khá hoang mang với những gì mà mình lựa chọn. Nhưng khi được làm những công việc phù hợp với đam mê, niềm tin của mình càng gia tăng.

Mình rất vui vẻ và sẵn lòng đối mặt với những trở ngại, thách thức trên con đường này. Mình tin tưởng vào bản thân và luôn hành động theo đúng đam mê của mình. Vì mình tin rằng điều đó sẽ dẫn đến những cơ hội tuyệt vời hơn trong tương lai.

Trân có thể chia sẻ về hành trình đến với “ASEAN Rising Leaders Program: Preventing Violence, Promoting Peace”?

“ASEAN Rising Leaders Program” không đơn thuần chỉ là một cuộc thi, mà còn là một hội nghị dành cho các bạn trẻ ở khu vực Đông Nam Á. Chương trình tập trung huấn luyện các nhà lãnh đạo trẻ về chủ đề “Preventing Violence, Promoting Peace” (Ngăn chặn bạo lực, thúc đẩy hòa bình). Mục tiêu chính của cuộc thi là chống lại bạo lực tại Indonesia, nơi mà bạo lực chính trị và gia đình đang diễn ra rất nhiều.

Chương trình là khuyến khích các thí sinh sử dụng kiến thức và trải nghiệm để giải quyết vấn đề bạo lực thông qua “digital content” (nội dung số). Ban đầu, mình nghĩ rằng mình đi khá chậm so với các bạn khác trong việc thuyết trình và tham gia tranh luận.

Tuy nhiên, mình tin rằng lý do mà chương trình đã chọn mình là vì mình tự tin trong việc tạo ra nội dung số. Bên cạnh đó, vì mình đã từng tham gia vào dự án làm phim ngắn về chủ đề bình đẳng giới, điều này đã góp phần khiến mình được chọn.

Chương trình thu hút sự tham gia từ 10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, mỗi quốc gia sẽ chọn ra 2 thành viên là đại diện. May mắn thay, mình đã trở thành đại diện tại TP.HCM.

Trân cảm thấy “ASEAN Rising Leaders Program” có ích như thế nào đối với một sinh viên như bạn?

Như đã nói, “networking” là thứ giá trị nhất mà mình nhận được từ chương trình. Hiện tại, mình đã có KPI thúc đẩy và mở rộng dự án thông qua nội dung số. Bên cạnh đó, những khóa học trong chương trình cũng giúp ích mình trong việc thảo luận và kiểm soát khủng hoảng.

Có thể nói, khoá học mà mình yêu thích nhất là “Digital Content”. Mình đã được chương trình giới thiệu đến những Agency tại Indonesia và Thái Lan. Trong trường hợp mình cần sự hỗ trợ, họ sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ.

Cảm ơn Bảo Trân về buổi phỏng vấn!