Site icon Western Sydney Việt Nam

VNExpress | Cách chọn trường đại học phù hợp sau dịch

UniPrep - Sắp vào Đại hoc

Theo PGS.TS Ngô Viết Liêm, ĐH New South Wales, các bạn trẻ nên chọn ngành học mà bản thân hứng thú nhờ đó mới tạo năng lượng tích cực, kiên định với con đường học tập.

Tại tọa đàm “UniPrep – Sắp vào đại học” số đầu tiên phát sóng ngày 20/1, các chuyên gia đầu ngành về giáo dục đã đưa ra nhận định về bức tranh tổng thể đối với môi trường kinh doanh và đào tạo kinh doanh trong vài năm tới, từ đó định hướng cách chọn trường và ngành học phù hợp giúp sinh viên nhanh chóng thích ứng với thời kỳ bình thường mới.

Giáo sư Trương Nguyện Thành – Đại học Utah, Mỹ chia sẻ tại tọa đàm UniPrep.

Giáo sư Trương Nguyện Thành – Đại học Utah, Mỹ chia sẻ, Covid-19 đã đẩy mạnh tiến độ cách mạng của công nghệ 4.0 và sẽ làm thay đổi hoàn toàn thị trường lao động trong bốn năm tới. Sự cạnh tranh vì thế sẽ khốc liệt hơn. “Các bạn trẻ vào đại học cần có tinh thần chiến binh rõ nét để sau bốn, năm năm nữa có thể tạo được sự khác biệt rõ ràng”, vị giáo sư nói. Ông lấy dẫn chứng, trong tương lai gần, con người không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với robot tự động hóa, trí tuệ nhân tạo.

Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia đồng tình với quan điểm của Giáo sư Trương Nguyện Thành. Ông lấy dẫn chứng tại một nhà hàng lớn ở Australia, phân nửa số lượng nhân viên của quán được thay thế bằng robot. Những con robot có thể mang đồ ăn từ bếp ra bàn và ngược lại. Thậm chí, trong bếp có một lượng lớn robot nấu ăn những món đơn giản.

Phó giáo sư Ngô Viết Liêm – Đại học New South Wales, Sydney, Australia, Tổng biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal.

Phó giáo sư Ngô Viết Liêm – Đại học New South Wales, Sydney, Australia, Tổng biên tập Tạp chí Australasian Marketing Journal cũng nhấn mạnh: “Trong tương lai, tác động của AI ngày càng tăng, những nhiệm vụ thủ công, có tính chất lặp lại trước đây thì giờ máy móc có thể đảm nhiệm. Bởi vậy, nếu sinh viên không được trang bị năng lực, kỹ năng mềm thì không thể cạnh tranh với máy móc, dần dần sẽ bị robot thay thế”.

Đặc biệt, sau đại dịch, môi trường kinh doanh sẽ có nhiều thay đổi, bên cạnh số hóa phát triển mạnh, là những chuyển biến nhất định về nhu cầu của người tiêu dùng, phương thức vận hành của các doanh nghiệp. Người tiêu dùng mua hàng trực tuyến (online) nhiều hơn, thay đổi sở thích (taste) đối với quá trình tiêu dùng. Đối với các doanh nghiệp sẽ là sự kết hợp giữa mô hình online-offline và đặc biệt sự thay đổi trong mô hình kinh doanh. Từ đó, dẫn tới dự báo về việc có nhiều biến động trong nhu cầu về lực lượng lao động để đáp ứng cho các doanh nghiệp trong vòng 10 năm tới.

Là người điều phối xuyên suốt tọa đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân – Viện trưởng ISB, Đại học Kinh tế TP HCM tóm tắt lại bức tranh tổng thể trong vài năm tới, theo nhận định của các chuyên gia, đó là khó đoán trước, cạnh tranh khốc liệt và có yếu tố từ xa, công nghệ.

Trước thực tế đó, các chuyên gia chia sẻ hành trình chọn trường đại học, ngành học để có thể thích ứng với thời kỳ bình thường mới.

Theo Phó giáo sư Ngô Viết Liêm, để có thể chọn trường học và ngành học phù hợp, trước hết các bạn trẻ cần nghiêm túc suy nghĩ và hiểu rõ việc mình đang làm. Ngoài ra, các bạn phải thấy hứng thú với công việc của mình, có thể trái ý bố mẹ, nhưng quan trọng là bạn không bỏ cuộc. “Sự hứng thú rất quan trọng, bởi con đường các bạn đi rất dài, nhiều khó khăn và thách thức. khi đó, hứng thú sẽ tạo năng lượng tích cực, giúp bạn sáng tạo, từ đó mở ra những cơ hội mới trong tương lai”, Phó giáo sư chia sẻ.

Đồng tình với Phó giáo sư Liêm, Giáo sư Trương Nguyện Thành Anh nhắn nhủ tới phụ huynh hãy đồng hành với con, đừng ép con chọn điều con không muốn. Với các bạn trẻ, Giáo sư Thành mong các bạn trẻ hãy sống và theo đuổi đam mê. Theo ông, bốn năm đại học là quãng thời gian vàng son với nhiều kỷ niệm đẹp, hãy trải nghiệm những gì mới mẻ mà trước đó bạn chưa từng làm, hãy thử những thứ có thể khiến bạn hoảng sợ nhưng không ảnh hưởng tới tính mạng. Những trải nghiệm đó sẽ giúp bạn khám phá bạn là ai, bạn thích gì, có khả năng gì. “Đặc biệt, các bạn trẻn hãy dám mơ, dám làm, dám thất bại rồi dám làm lại”, ông nói.

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân cho rằng, chọn trường đại học là quyết định lớn cần nghiêm túc, phải đầu tư để đưa quyết định. Tuy nhiên nó không ảnh hưởng quá lớn tới thành công trong cuộc sống, mà thái độ khi học mới quyết định bạn thành công ra sao. “Chính thái độ, năng lực đó sẽ giúp các em thích nghi và thành công sau này”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hà Minh Quân chia sẻ. Cũng theo ông, phụ huynh không nên quá lo lắng nếu con chọn ngành đặc thù. Có thể hiện tại chưa nhìn tín hiệu khả quan, nhưng nếu có hứng thú, những năng lực đó sẽ giúp các em hội nhập và thành công.

Tiến sĩ Lý Quí Trung – Giáo sư kiêm nhiệm, Cố vấn cấp cao, Đại học Western Sydney, Australia.

Kết thúc tọa đàm, Tiến sĩ Lý Quí Trung khẳng định, trong thời kỳ bình thường mới, khó khăn và cơ hội là rất nhiều và ngang nhau. Trương tương lai, các em sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu thất bại hãy coi nó nhẹ như con gió thoảng. “Thất bại chỉ là thất bại khi mình lùi ra phía sau, khi mình vẫn đi về phía trước thì đó chỉ là bài học. Hơn hết, các em phải lưu ý sự sáng tạo, năng động, kiên định, chịu đựng. Hơn thua nhau là thái độ trước thất bại”, Tiến sĩ Lý Quí Trung cho hay.

Theo VNExpress

Exit mobile version