Site icon Western Sydney Việt Nam

FIRE Movement: Trào lưu hay lối sống?

Fire Movement (viết tắt của “Tự do tài chính và Nghỉ hưu sớm”) đang là một trong những phong trào “hot” đối với giới trẻ. Để đạt tự do tài chính dễ hay khó, làm thế nào để duy trì kỷ luật khi theo đuổi FIRE,… là những câu hỏi rất được quan tâm.

MBA Meetup tháng 12 với chủ đề FIRE Movement vừa qua chào đón anh Hồng Thạnh Đạt (Head of Tax, Cargill Việt Nam) và anh Lê Hoàng Việt Anh (Strategic Account Manager, Crane Worldwide Logistics). Hai khách mời đã cùng chia sẻ và giải đáp những thắc mắc xoay quanh xu hướng này.

“Khám phá” FIRE Movement dưới lăng kính “dân” Tài chính

FIRE – Financial Independence and Retire Early ban đầu phát triển mạnh ở Mỹ và các nước Châu Âu. Những năm trở lại đây, xu hướng này dần lan rộng và du nhập về Việt Nam.

Xuất thân là Cử nhân ngành Tài chính tại Đại học Ohio (Mỹ), anh Việt Anh cho biết “Tự do tài chính” có thể đạt được theo hai hướng: Đầu tư và Tiết kiệm. Hướng thứ nhất nghĩa là bạn đầu tư tiền vào những mảng như chứng khoán, bất động sản hoặc công ty riêng để tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Còn ở hướng thứ hai, bạn sẽ trích ra một khoản thu nhập hàng tháng (từ 50 – 70%) để tiết kiệm.

Theo định nghĩa FIRE, khi số tiền bạn có được từ đầu tư hoặc tiết kiệm, dù là tiền mặt hoặc tiền trong quỹ đầu tư, tương đương 25 lần số tiền chi tiêu trong một năm, bạn chỉ cần rút ra mỗi năm 4% để chi tiêu, khối tài sản còn lại sẽ không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lời cho những năm tiếp theo. Đó là khi bạn đạt được vế FI – “Financial Independence” hay “Tự do tài chính”.

Ở góc nhìn khác, anh Thạnh Đạt phân tích “Financial Independence” theo hai thành tố là danh từ – Independence và tính từ – Financial. Anh cho rằng, Independence mới là ý nghĩa chính của trào lưu này, còn Financial chỉ là tính từ bổ nghĩa. Tức FIRE không phải là một chiến lược đầu tư “thần thánh” có thể mang lại khối tài sản khổng lồ như nhiều người lầm tưởng, mà bản chất FIRE được xây dựng một kế hoạch, chiến lược để hướng mọi người đến mục tiêu độc lập và tự do phù hợp với tư tưởng, lối sống của mình.

Chia sẻ của anh Thạnh Đạt về FIRE Movement tại MBA Meetup

Chia sẻ về trải nghiệm thực hành FIRE Movement, anh Đạt cho biết nhận thức bản thân về tự do tài chính đã thay đổi rất nhiều sau khi biết đến công thức 25 – 4% của FIRE. Từ đó, anh có thể lập ra một kế hoạch tài chính cá nhân tốt hơn sau này.

Đồng ý với quan điểm trên, anh Việt Anh cũng bộc bạch chính bản thân anh từng quá chú trọng việc đầu tư nhanh mà không tìm hiểu kỹ lưỡng. Chiêm nghiệm lại, anh cho rằng không có một cách làm giàu nhanh chóng, do đó tiết kiệm vẫn là một phương pháp an toàn và bền vững.

Làm thế nào để bắt đầu theo đuổi Tự do tài chính?

Theo anh Thạnh Đạt, có 3 yếu tố để đạt được FIRE: cắt giảm chi phí, tăng thu nhập và tạo ra lợi nhuận từ tài sản tiết kiệm hoặc đầu tư. Dẫn chứng từ lời khuyên của nhiều chuyên gia về FIRE Movement, anh Đạt cho biết kiểm soát chi phí là quan trọng nhất và cần được đặt lên hàng đầu.

Để minh họa cho điều này, anh Đạt lấy ví dụ về “bài toán trà sữa”, trong đó một nữ nhân viên văn phòng có thu nhập 10 triệu/tháng. Nếu hàng tháng có 20 ngày công thì lương của người này tương đương 500.000 đồng/ngày tức khoảng 62.500 đồng/giờ. Cô nhân viên rất thích uống trà sữa và mỗi tuần đều uống 2 lần. Giả sử giá của ly trà sữa “full topping” là 62.500 đồng thì cô ta sẽ mất 2 giờ làm việc để chi trả cho sở thích này mỗi tuần. Nhân rộng lên trong 1 năm với trung bình 48 tuần làm việc, người này sẽ phải chi ra 96 giờ làm việc (tương đương 12 ngày công) và rộng hơn nữa là trong 20 năm cuộc đời đi làm, người này sẽ phải chi trả tương ứng 240 ngày công (tương đương 1 năm làm việc) quần quật để phục vụ cho sở thích trà sữa này. Bài toán này vẫn đúng nếu xét mức độ tăng giá của sản phẩm trà sữa là tương đồng với tỷ lệ tăng lương.

Chia sẻ của anh Việt Anh về FIRE Movement tại MBA Meetup

Bài toán này cho thấy sự ảnh hưởng của những sở thích của chúng ta đối với mục tiêu Tự do tài chính. Bạn cần quy đổi các khoản chi tiêu ra thành thu nhập theo giờ, theo ngày tương ứng, từ đó sắp xếp các thứ tự ưu tiên trong chi tiêu của mình và cần có các điều chỉnh phù hợp.

“Thời gian là tài nguyên không thể tái sinh, thời gian của một con người khi mất đi rồi thì sẽ không thể lấy lại được. Vì vậy hãy suy nghĩ xem bản thân muốn dành thời gian 1 năm để ở cùng gia đình, để du lịch, trải nghiệm cuộc sống hay muốn ngồi ở văn phòng làm việc cật lực để hiện tại được uống 2 ly trà sữa mỗi tuần. Đó cũng chính là hàm ý sâu xa của ví dụ trên, thông qua việc nêu bật tính đánh đổi giữa quỹ thời gian hạn hẹp của đời người và tính thỏa mãn từ việc chi tiêu”, anh Đạt nói thêm.

Anh Việt Anh cũng dành hai lời khuyên cho các bạn trẻ đang tìm hiểu và theo đuổi FIRE. Thứ nhất, hãy đọc những chia sẻ từ nhiều nguồn để có hiểu biết tổng quan về FIRE Movement. Nhưng khi thực hành, hãy áp dụng một cách phù hợp dựa vào thu nhập, sở thích, lối sống thực tế của bạn. Bạn không nhất thiết phải tiết kiệm 50 – 70%, bạn có thể đi du lịch, khám phá, bạn có thể đạt Tự do tài chính chậm hơn người khác, miễn là bạn thấy vui vẻ, có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt để đóng góp và làm tốt công việc của mình.

Lời khuyên thứ hai, theo anh Việt Anh, các bạn trẻ cần năng động và chủ động trong công việc để thu nạp được nhiều kiến thức, thăng tiến nhanh chóng và xây dựng một lộ trình sự nghiệp vững chắc. Điều này cũng góp phần tăng thu nhập và đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu Tự do tài chính.

Exit mobile version