Bức tranh ngành tài chính cũng như các chương trình đào tạo ngành này sẽ được các chuyên gia chia sẻ tại tọa đàm UniPrep số 7, ngày 31/3.
Tài chính là một trong những ngành học thu hút nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi sự đa dạng trong cơ hội việc làm và cung cấp cho người học những kiến thức tổng quát về lĩnh vực kinh tế. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh, tài chính 4.0 đang dần trở thành xu thế. Bức tranh của ngành tài chính nói chung và đào tạo ngành tài chính nói riêng theo đó cũng có nhiều thay đổi.
Những thay đổi đó là gì? Làm thế nào để có thể trở thành một chuyên gia tài chính trong bối cảnh 4.0? Nhà trường và sinh viên cần chuẩn bị gì để sẵn sàng bước vào thị trường ngành tài chính nhiều biến động? Tất cả những nội dung trên sẽ được các chuyên gia chia sẻ và thảo luận tại tọa đàm UniPrep số thứ 7, chủ đề “Giải mã tài chính 4.0”
Các chuyên gia gồm Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, UEH; ông Thomas Hưng Trần – Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam.
Phần đầu chương trình “Hiểu sao cho đúng Tài chính 4.0”, hai diễn giả sẽ làm rõ khái niệm “tài chính 4.0”, những điểm khác so với tài chính thông thường.
Gần đây, tài chính 4.0 thường được nhắc đến với những câu chuyện thị phi khiến nhiều người có cái nhìn không tích cực và đặt ra câu hỏi “tài chính 4.0 liệu có an toàn và thân thiện”. Về vấn đề này, các diễn giả sẽ đưa ra quan điểm cá nhân, những nhận định khách quan, cũng như các lĩnh vực chủ yếu của tài chính 4.0.
Tài chính 4.0 gắn liền với Internet, với yếu tố ảo trong khi ngành tài chính thông thường đã có sự khó nắm bắt và thay đổi liên tục. Vậy đối với những người mới tham gia vào thị trường tài chính, làm thế nào để nhận biết những kênh an toàn? Phần hai tọa đàm “Nghề tài chính trong bối cảnh mới”, các diễn giả sẽ khắc họa bức tranh nghề nghiệp của ngành tài chính khi có sự xuất hiện của yếu tố 4.0 đã, đang và sẽ có sự thay đổi như thế nào? Hay một chuyên gia tài chính cần chuẩn bị những loại năng lực gì trong bối cảnh mới? Cơ hội và thách thức cho những người theo đuổi lĩnh vực tài chính trong tương lai…
Mặt khác, sự xuất hiện của tài chính 4.0 đã mở rộng khả năng tiếp cận, ai cũng có thể tham gia và tìm cơ hội. Điều này cũng dẫn đến việc chưa có sự tìm hiểu đủ rộng và sâu nhưng đã quyết định đầu tư. Trước thực trạng này, các chuyên gia sẽ đưa ra những lưu ý đối với người mới tìm hiểu về tài chính trong bối cảnh mới và muốn tham gia vào đầu tư.
Phần tiếp theo của tọa đàm là chủ đề “Đào tạo tài chính tại các trường đại học hiện nay”. Ở phần này, các diễn giả sẽ đưa ra nhận định với sự thay đổi chung trong bức tranh ngành tài chính, đào tạo tài chính tại bậc đại học đang diễn ra như thế nào? Cụ thể, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, UEH chia sẻ những thay đổi của UEH để bắt nhịp với xu thế này. Trong khi đó, ông Thomas Hưng Trần – Trưởng phòng cấp cao, Công ty tư vấn PwC Việt Nam đưa ra những mong muốn từ phía doanh nghiệp về việc đào tạo lớp nhân lực trẻ khi đối mặt với nền tài chính thay đổi từng ngày và nhiều biến động.
Cuối tọa đàm sẽ là những lời khuyên của các diễn giả cho các bạn trẻ đang chuẩn bị bước vào đại học và có sự quan tâm đối với lĩnh vực tài chính.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Quốc Bảo là Phó hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế, kiêm Trưởng phòng đào tạo của Đại học Kinh tế TP HCM. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy các môn học về thị trường tài chính, tài chính quốc tế, quản lý tài chính công ty đa quốc gia và quản trị rủi ro, ông có nhiều kết quả nghiên cứu được công bố về ngành cũng như đóng góp ý kiến trong xây dựng chính sách.
Ông Thomas Hưng Trần hiện là Trưởng phòng cấp cao tại Công ty Tư vấn PwC Việt Nam, phụ trách dịch vụ điều tra và phòng chống gian lận, rửa tiền và tội phạm tài chính. Ông có hơn 10 năm kinh nghiệm tư vấn cho các tập đoàn và tổ chức tại Anh, châu Âu và Đông Nam Á về chiến lược phòng ngừa, điều chỉnh và ứng phó rủi ro. Trước khi được biệt phái đến Việt Nam, ông Thomas Hưng Trần công tác tại Công ty PwC LLP, Anh, trực thuộc bộ phận Điều tra và Phòng chống Gian lận, Rửa tiền và Tội phạm Tài chính.