Site icon Western Sydney Việt Nam

3 lý do để Gen Z chọn ngành Tài chính

Trong một vài năm trở lại đây, tài chính là một chủ đề cực kỳ “hot” bởi người Việt đã bắt đầu quan tâm đến sự vận hành của thị trường tài chính, các khoản đầu tư sinh lợi tốt cho cá nhân và doanh nghiệp… Riêng cách bạn Gen Z, tiếp nhận nhiều thông tin từ các nền tảng khác nhau cũng ít nhiều tò mò về một ngành nghề mà “nổi tiếng” là khó và khô.

Để giải đáp một phần những thắc mắc của các bạn Gen Z về ngành Tài chính, Western Sydney Việt Nam đã gặp gỡ chị Mai Đoàn Thúy Diễm, hiện đang là một Internal Control and Reporting Finance Manager tại AB InBev. Được biết, AB InBev là tập đoàn nước giải khát lớn nhất thế giới, với doanh thu nhiều năm dẫn đầu thị trường và được biết đến với các sản phẩm như Budweiser, Beck’s, Hoegaarden…

Chị Mai Đoàn Thúy Diễm, hiện đang là một Internal Control and Reporting Finance Manager tại AB InBev.

Khái quát về công việc ngành Tài chính trong một doanh nghiệp

Với kinh nghiệm làm việc hơn 7 năm trong ngành tài chính, chị Mai Đoàn Thúy Diễm chia sẻ: “Tài chính rất rộng và rất khác nhau tùy vào mỗi loại hình doanh nghiệp. Ví dụ khi các bạn làm việc trong môi trường Tài chính của công ty bảo hiểm thì nó sẽ khác so với ngân hàng. Nó cũng rất là khác so với môi trường tại một quỹ đầu tư chứng khoán hoặc là một công ty doanh nghiệp bình thường.”

Để dễ hiểu hơn về vai trò của bộ phận Tài chính trong doanh nghiệp, chị đưa ra một ví dụ về cách tổ chức ngân sách cho kế hoạch đi du lịch. Theo đó, với số tiền cố định, bạn phải nghĩ đến dùng tiền đó để đi bằng phương tiện gì, ở khách sạn nào trong vòng bao lâu, ngày tiếp theo mình sẽ dùng tiền đó để đi tham quan mua sắm những điểm nào, tổng chi phí bao nhiêu …

“Giống như vậy, một doanh nghiệp có sản phẩm đưa ra thị trường thì em cần biết sản phẩm như thế nào, bán cho ai, giá cả và cần bao nhiêu nguồn vốn để em có thể làm được điều đó. Phòng Tài chính là phòng ban giúp cho doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.. Em sẽ phải kiểm soát nguồn tiền linh động, theo đúng cái timeline nếu không em sẽ bị phân tán rất là nhiều nhưng không đạt được mục đích.”

Chia sẻ về mô hình bộ phận tài chính của AB Inbev mà chị đang công tác, đứng đầu là CFO (Chief Financial Officer), dưới đó sẽ có các bạn phụ trách các mảng sau đây:

Theo đó, kiểm soát vai trò của chị sẽ là giám sát các quy trình của công ty, thiết lập và kiểm soát các quy trình của công ty để công ty đạt được mục đích kinh doanh mà mình vẫn đảm bảo được những rủi ro của doanh nghiệp được bảo vệ. Ngoài ra chị cũng cho biết thêm còn nhiều phòng ban khác như phòng Hoạch định chính sách nguồn vốn và Quản lý đầu tư,…

3 lý do nên chọn ngành Tài chính khi học Đại học?

Nhớ lại quãng thời gian lớp 12 và năm nhất Đại học, chị Diễm chia sẻ thẳng thắn: Chị từng không thích Finance! Khó có thể nghĩ một chuyên gia tài chính như chị lại từng “nói không” với ngành tài chính vì chị nghĩ nó là “một cái gì đó rất là khô khan, chỉ có số mà thôi”.

Thế nhưng khi có cơ hội trải nghiệm công việc kiểm toán tại PwC, chị lại thay đổi hoàn toàn quan điểm đó. Ngược lại với tưởng tượng của nhiều bạn về một công việc cực kỳ khép kín, Tài chính cho phép và bắt buộc các bạn sẽ được phải giao tiếp rất nhiều. Không chỉ các bạn chỉ làm việc giấy tờ đơn thuần mà các bạn còn được gặp gỡ các bộ phận các phòng ban khác để tìm hiểu về quy trình, các điểm cần cải thiện trong phòng ban đó là gì.

Theo chị Thúy Diễm, “Tài chính sẽ không liên quan duy nhất về số đâu. Nó sẽ liên quan đến quy trình vận hành, cách các phòng ban tiếp nối với nhau ra làm sao, tính hệ thống. Từ cái đó các bạn sẽ rất là nhanh hiểu được quá trình vận hành của doanh nghiệp, hiểu được ngành và công ty đó. Không hoàn toàn về số, cũng không khô khan gì cả. Thật ra là ngành Tài chính có rất là nhiều mảng, không bó hẹp trong suy nghĩ là khô khan như mình tưởng đâu.”

Chia sẻ những băn khoăn với các bạn đang trong quá trình chọn lựa ngành học – trường đại học cho 3-4 năm tiếp theo, chị Diễm đưa ra 3 lý do quan trọng thúc đẩy chị theo đuổi ngành Tài chính.

Ngành Tài chính là ngành có thu nhập rất hấp dẫn so với các ngành khác, theo chị Thúy Diễm chia sẻ. Tất nhiên cũng sẽ có một vài ngành có thu nhập hấp dẫn nhưng ngành Tài chính là một ngành khá là cạnh tranh so với mặt bằng chung.

Ngành tài chính không kén về tính cách. “Mọi người hay hỏi rằng tính cách nào là phù hợp với ngành Tài chính nhưng đối với chị bạn hướng nội hay hướng ngoại, thích số hay không thích số thì vẫn làm được ngành Tài chính”.

“Chị nghĩ là ngành nào cũng có rất nhiều điểm để học hỏi quan trọng là bạn muốn học tới đâu. Nếu bạn muốn học càng nhiều thì thời gian dành cho nó càng nhiều, càng muốn hiểu sâu về nó thì thời gian cần rất nhiều”, chị Mai Đoàn Thúy Diễm chia sẻ.

Ngành Tài chính là một trong những ngành rất rộng mở để em phát triển sự nghiệp. Các bạn sẽ có rất nhiều mảng để học hỏi và chinh phục những điều mà các bạn muốn, tò mò về tài chính lẫn doanh nghiệp.

Cần làm gì khi đã chọn ngành Tài chính?

Khi được hỏi về trung bình sẽ mất bao lâu thì các bạn sinh viên mới ra trường sẽ hiểu rõ về ngành Tài chính, đặc biệt là ngành Tài chính doanh nghiệp, chị Thúy Diễm nhận định nếu để hiểu sâu sát về tài chính của một doanh nghiệp, có khi bạn phải mất đến 5-7 năm.

Nhưng khi muốn phát triển hơn trong ngành Tài chính, “Nếu bạn chỉ bó hẹp ở phần của bạn thì bạn chỉ hiểu rõ phần của bạn chứ không hiểu được những phần khác.” Khi bạn gặp tình huống xử lý thì bạn sẽ loay hoay với góc nhìn rất hẹp trong khi một vấn đề nội tại không chỉ là của mình.

Tài chính luôn luôn là sự kết nối với rất nhiều phòng ban và để giải quyết nó thì cần sự hợp tác của các phòng ban khác. Nếu mình không hiểu họ, không biết họ đang làm gì và họ đang gặp phải những vấn đề gì thì mình cũng không giải quyết được vấn đề của mình.”

Ngoài ra, khi học ngành Tài chính thì ngoài việc thực tập, việc sở hữu cho mình những chứng chỉ nghiệp vụ cũng rất hữu ích cho con đường sự nghiệp của bạn. Với chị Diễm thì chị chọn ACCA – chứng chỉ quốc tế về kế toán, kiểm toán nói chung.

“Khi chị đi làm chị áp dụng được những kiến thức trong ACCA còn kiến thức ở Đại học thì không phải cái nào cũng áp dụng được. Tụi em sẽ thấy đâu đó, có thể bây giờ tụi em chưa nhận ra, nhưng sau này tất cả kiến thức Đại học tụi em đều dùng được mặc dù em nghĩ không liên quan”

“Đôi khi tụi em nhận thấy có những thời điểm tụi em sẽ áp dụng được tất cả những gì tụi em đã được học. Quan trọng là mình có nhớ tới nó và áp dụng một cách linh hoạt hay không thôi.”, chị Thúy Diễm nhận định.

Tạm kết

Ngành Tài chính vừa thách thức nhưng cũng rất thú vị. Qua góc nhìn của chị Thúy Diễm, ngành Tài chính không phân biệt tính cách vì vậy dù bạn là người hướng nội hay hướng ngoại, bạn đều có thể cân nhắc về ngành tài chính. Điều quan trọng là bạn cần thực sự dành thời gian tìm hiểu và trau dồi nhiều kỹ năng trong quá trình học và làm.

Để kết lại buổi trò chuyện, chị Diễm chia sẻ và dành lời khuyên chân thành dành cho các bạn trẻ đang mong muốn theo đuổi ngành Tài chính nói riêng và cũng như những ngành khác, “Chị nghĩ là ngành nào cũng có rất nhiều điểm để học hỏi quan trọng là bạn muốn học tới đâu. Nếu bạn muốn học càng nhiều thì thời gian dành cho nó càng nhiều, càng muốn hiểu sâu về nó thì thời gian cần rất nhiều”.