Bạn có bao giờ nghĩ rằng lướt mạng xã hội mỗi ngày không chỉ để giải trí mà còn giúp bạn học tập cực kỳ hiệu quả thông qua Digital Networking không?
Đúng vậy, đôi khi việc kết nối với những người có mối quan tâm chung thông qua các nền tảng và công cụ trực tuyến (Digital Networking) vừa giúp bạn dễ tiếp cận vấn đề hơn, lại vừa cho phép bạn “bắt trend” trong lĩnh vực mà mình yêu thích.
Dưới đây là cách để bạn tận dụng nó tối đa!
1. Tạo mạng lưới học tập cá nhân (Personal Learning Network) của riêng bạn
Đừng chỉ theo dõi những người bạn biết – hãy khám phá và thành lập mạng lưới với những chuyên gia hay người có ảnh hưởng trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Mình đã thật sự bất ngờ vì kiến thức nhận được!
Ví dụ: Khi vừa vào Stage 1, biết được 4 môn bắt buộc bao gồm BAS, PE, PMK, và CB, mình đã:
- Theo dõi các tiền bối trong và ngoài nước trên nền tảng Facebook, LinkedIn (chịu khó Google search là sẽ ra ngay!). Mình thường theo dõi thầy Hồ Quốc Tuấn trên FaceBook để biết thêm các kiến thức về tài chính; Cô Linh Trần trên Linkedin…
- Follow các hashtag học thuật trên Twitter hay Substack.
Nhờ thường xuyên đọc các phân tích, tranh luận từ những nguồn phi chính thống như vậy mà khi vào lớp mình không bị quá bỡ ngỡ so với teammates trong việc hiểu những thuật ngữ được thầy cô giới thiệu trên lớp.
(Mẹo: Hãy tiếp tục mở rộng mạng lưới của bạn bằng cách khám phá xem họ theo dõi ai hoặc giới thiệu ai nữa nhé).
2. Thể hiện ý kiến riêng của bạn trên Digital Networking
Thay vì chỉ là người tiếp nhận thông tin thụ động, hãy thử mạnh dạn tham gia vào các cuộc trò chuyện trực tuyến, thả cảm xúc, bình luận, chia sẻ các bài viết. Những cuộc trò chuyện này, dù giữa các học giả, chuyên gia ngành hay cộng đồng trực tuyến, đều có giá trị trong việc giúp bạn khám phá nhiều ý tưởng mới, từ đó hình thành góc nhìn của riêng mình.
Hoặc thay vì chỉ là người đọc, bạn có thể trở thành người chia sẻ và tạo nội dung. “Trăm hay không bằng tay quen”, vì thế viết blog, đăng video, hoặc đơn giản là chia sẻ suy nghĩ trên trang cá nhân là bạn đang góp phần vào việc củng cố kiến thức được dạy và học rồi đấy!
3. Mạnh dạn “Unfollow” khi không còn cảm thấy phù hợp
Chỉ theo dõi những người/trang mà thực sự giúp mở rộng kiến thức hoặc truyền cảm hứng cho bạn. Nếu thấy nội dung quá nặng, hoặc không còn liên quan nữa, hãy thoải mái “bỏ theo dõi”. Điều này sẽ giúp bạn duy trì một networking chất lượng cao, phù hợp với sở thích cá nhân của bạn và không bị quá tải.
Ví dụ: Mình đã từng tốn phí đăng ký Wall Street Journal (WSJ) để tìm đọc các bản tin. Mặc dù WSJ là một tài khoản với tin tức cập nhật chất lượng cao trong giới tài chính, những chia sẻ từ trang này có xu hướng đào sâu về lĩnh vực chuyên môn đến nỗi mà ở thời điểm Stage 1 dù cố gắng đến mấy mình cũng không thể hiểu được hết. Thế là sau một khoảng thời gian vượt qua được hội chứng FOMO, mình đành chấp nhận dừng lại.
(Tuy nhiên cũng không quên note lại để khi kiến thức mình được củng cố hơn, đây lại là nguồn tài nguyên có giá trị).
Xem thêm Sự kiện WSU Alumni Networking 2024 của Western Sydney Việt Nam